Bức tranh kinh tế bừng sáng

(ĐTCK) Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh nhờ sức bật ở nhiều ngành, lĩnh vực, dù rủi ro vẫn tiềm ẩn trong bối cảnh thế giới bất ổn.
Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 lên 7,5%.

Nhiều điểm sáng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam hồi phục ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các yếu tố bên ngoài như xung đột Nga - Ukraine, giá xăng dầu và nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, lạm phát cao, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…

Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế 8 tháng là ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5%; xuất siêu ước đạt 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD); có gần 150.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại thị trường; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Một số ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước đại dịch Covid-19 như bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân chỉ tăng 1,64%. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 1.208.200 tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 956.500 tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán năm và tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo Chiến lược thị trường tháng 9/2022, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, GDP quý III/2022 có thể tăng 11% so với quý III/2021 và cả năm 2022 đạt mức tăng 7,1% so với năm 2021.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/8/2022 dự báo, GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng 7,5% và lạm phát ở mức 3,8%. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2022, WB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ mức tăng 5,5% đưa ra ngày 13/1 và mức tăng 5,8% đưa ra trong tháng 6. Theo đó, Việt Nam sẽ hoàn thành cả hai chỉ tiêu quan trọng là GDP tăng 6,5 - 7%, lạm phát dưới 4%.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam đánh giá, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC dự báo, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm nay.

Tuy vậy, theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Việt Nam không nên quá lạc quan với triển vọng phục hồi kinh tế, đặc biệt từ cuối năm 2022, đầu năm 2023. Lạm phát toàn cầu và căng thẳng địa chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kinh tế Trung Quốc đang chật vật tăng trưởng bởi dịch Covid-19, khủng hoảng thị trường địa ốc... Trong bối cảnh thế giới bất ổn, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, mà Việt Nam lại có độ mở cửa cao, khả năng hồi phục tiếp theo đối diện với những rào cản không nhỏ.

Đồng quan điểm, VNDIRECT bày tỏ lo ngại, kinh tế Việt Nam có thể đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn trong những quý tới như tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do nhu cầu bên ngoài giảm, áp lực lạm phát tăng cao dịp cuối năm và lãi suất tăng...

Về lạm phát, VNDIRECT nhận định, lạm phát sẽ khó trở lại mức bình thường vào cuối năm 2022, vì nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn do xung đột Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trên toàn cầu và Trung Quốc theo đuổi chính sách “zero Covid” (bao gồm việc áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt).

Kỳ vọng động lực hội tụ

Ông Khoa cho rằng, FDI sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng, những lĩnh vực thu hút mạnh vốn FDI.

Vị chuyên gia của HSBC lưu ý, thu hút FDI nên đi đôi với tính bền vững. Nhiều bài học trên thế giới đã cho thấy, tăng trưởng sản xuất nhanh chóng mà không đi đôi với bảo vệ môi trường sẽ để lại tác hại nghiêm trọng, đặc biệt khi Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), bao gồm cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Theo đó, FDI “xanh” sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận xét, xuất khẩu vẫn đang là một động lực kinh tế quan trọng của Việt Nam, nhất là xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút FDI bằng chiến lược tái định vị nền kinh tế trên cả phương diện cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế so sánh và tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

“Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh để nền kinh tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI. Hiện nay, 90% doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, sức chống chịu kém. Trong 8 tháng đầu năm 2022, bình quân mỗi tháng có 13.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, ông Việt nói.

Một động lực kinh tế khác cho giai đoạn cuối năm 2022 đang được các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng là chính sách cấp thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị công bố.

Động lực kinh tế cuối năm 2022 sẽ được hội tụ mạnh hơn từ chính sách của Chính phủ kích thích cả tổng cung và tổng cầu.

Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là tâm điểm chú ý vào cuối năm 2022, nhằm cân bằng giữa tốc độ tăng lãi suất và chính sách tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, đưa lãi suất VND ở mức hợp lý so với lãi suất USD (tiền đồng có thể sẽ mất giá 2,2% vào cuối năm 2022) và trong việc nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cuối năm nay. Việc này sẽ giúp một số ngân hàng được chọn để cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng có lợi thế cạnh tranh trong việc đẩy mạnh cho vay, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, động lực kinh tế cuối năm 2022 sẽ được hội tụ mạnh hơn từ chính sách của Chính phủ kích thích cả tổng cung và tổng cầu; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế hành chính, về tín dụng cho doanh nghiệp; cộng với nội lực và sự nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục