Đó là một trong những kết quả được khảo sát bởi Chương trình Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) công bố tuần qua tại Hà Nội. Theo định nghĩa của chương trình, tất cả các hoạt động nhằm tạo việc làm và mang lại thu nhập cho mình hoặc cho người khác đều là các hoạt động về kinh doanh (trừ trong lĩnh vực nông nghiệp).
Kinh doanh để tận dụng cơ hội
Báo cáo GEM toàn cầu 2014 đã chỉ ra rằng, các chỉ số đánh giá sự phát triển kinh doanh có xu hướng giảm dần ngược chiều với sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là các nước tăng trưởng dựa trên nguồn lực sẽ có các chỉ số về tỷ lệ các hoạt động kinh doanh ở giai đoạn đầu và tỷ lệ các hoạt động kinh doanh đã ổn định cao nhất, còn các nước phát triển dựa trên đổi mới sẽ có chỉ số này thấp nhất.
Trong trường hợp của Việt Nam, một quốc gia thuộc nhóm các nước phát triển dựa trên nguồn lực, tỷ lệ khởi sự kinh doanh như vậy là rất thấp.
Một điểm đáng chú ý là tại Việt Nam, tỷ lệ thanh niên tham gia vào các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu thường cao hơn so với những người ở độ tuổi trung niên, bao gồm cả lúc khởi sự (2,8% so với 1,2%) và khi hoạt động kinh doanh mới tiến hành trong vòng 3,5 năm.
Với việc thanh niên có ý định khởi sự kinh doanh cao hơn, mặc dù họ tự đánh giá khả năng kinh doanh thấp hơn và tỷ lệ sợ thất bại cao hơn so với trung niên cho thấy các chính sách cần phải tập trung khuyến khích hỗ trợ khởi nghiệp vào nhóm đối tượng này nhiều hơn. Một khi thanh niên được trang bị thêm kiến thức và kỹ năng kinh doanh, họ sẽ bớt lo sợ hơn về những thất bại trong kinh doanh và tỷ lệ khởi sự kinh doanh sẽ cao hơn nữa.
Có hai nhóm động cơ thúc đẩy các cá nhân khởi sự kinh doanh. Nhóm thứ nhất là nhóm khởi sự vì nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, là những người khởi sự kinh doanh vì họ không có lựa chọn công việc nào tốt hơn. Nhóm thứ hai là nhóm khởi sự để tận dụng cơ hội kinh doanh. Theo cách thức phân loại này, tỷ lệ người khởi sự để tận dụng cơ hội khá phổ biến ở các nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển dựa trên sự đổi mới.
Ở Việt Nam, chỉ có 29,7% người khởi sự kinh doanh vì không có sự lựa chọn công việc nào tốt hơn, trong khi có đến 70,3% người khởi sự kinh doanh để tận dụng cơ hội, trong đó có 53,3% người khởi sự kinh doanh để tận dụng cơ hội hoàn thiện mình.
Tỷ lệ người Việt Nam khởi sự kinh doanh để tận dụng cơ hội hoàn thiện mình cao hơn so với mức trung bình của các nước cùng trình độ phát triển với Việt Nam và gần bằng mức trung bình của các nước phát triển dựa trên đổi mới. Tuy nhiên, nếu xem xét chi tiết hơn mục đích của việc tận dụng cơ hội thì người Việt Nam khởi sự chủ yếu để tăng thu nhập hơn là để độc lập hơn.
Động cơ từ bỏ kinh doanh: Tiêu cực
Nghiên cứu phân nhóm ngành các hoạt động kinh doanh thành 4 loại: khai thác, chế tạo, phục vụ doanh nghiệp và phục vụ người tiêu dùng. Ở Việt Nam, tỷ lệ các hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu hướng tới phục vụ người tiêu dùng chiếm 89%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 63,5% của các nước tương tự.
Trong khi đó, tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lại thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước cùng trình độ phát triển.
So với cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh của các nước có trình độ tương đương, tỷ lệ các hoạt động chế biến và phục vụ doanh nghiệp của Việt Nam còn kém rất xa, vì vậy, để tiến gần và dịch chuyển sang nhóm cao hơn, Việt Nam cần phải tăng cường các chính sách khuyến khích khởi nghiệp tại các lĩnh vực này.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng tỷ lệ người từ bỏ kinh doanh có xu thế ngược chiều với trình độ phát triển kinh tế. Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành từ bỏ hoạt động kinh doanh của mình trong năm 2014 là 3,6% thấp hơn mức 4,3% của năm 2013.
Các tỷ lệ này của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển, cho thấy tính ổn định của các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam cao hơn.
Đáng chú ý là cứ có 100 người mới tham gia vào các hoạt động kinh doanh thì có 23 người khác sẽ từ bỏ kinh doanh. Tương tự, cứ 100 hoạt động kinh doanh mới được khởi sự thì 11 hoạt động kinh doanh khác phải chấm dứt.
Khi xem xét về lý do từ bỏ kinh doanh, 3 lý do chính được người Việt Nam nêu ra là lý do cá nhân (sức khỏe hay liên quan đến điều kiện gia đình); gặp vấn đề về tài chính; gặp sự cố. Trong khi ở các nước trên thế giới, từ bỏ kinh doanh vì không có lợi nhuận thường cao nhất, bất kể trình độ kinh tế.
Lý do có được một cơ hội việc làm hay cơ hội kinh doanh khác, có cơ hội bán lại kinh doanh là nhóm động cơ tích cực của việc từ bỏ kinh doanh… thì ở Việt Nam tỷ lệ này rất thấp và hầu như không có.