Cần có giải pháp đối phó phù hợp
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đã có chỉ đạo đánh giá tác động của sự kiện Brexit - Anh rời khỏi EU, song trên thực tế hiện nay, Brexit mới chỉ là kết quả trưng cầu dân ý, để có thời gian thực hiện thì cũng phải 2 - 3 năm nữa, do đó đánh giá ngay được tác động của Brexit tới Việt Nam là còn quá sớm.
Mặc dù vậy, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu để đánh giá tác động của việc Anh rời khỏi EU tới kinh tế Việt Nam trên 2 góc độ.
“Thứ nhất, đó là tác động trên lĩnh vực đầu tư, theo đó chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư của Anh tại Việt Nam, qua đó nghiên cứu đánh giá nếu Anh thuộc EU thì chính sách liên quan đầu tư có lợi ích gì và khi Anh rút khỏi EU thì có tác động thế nào tới đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai là tác động tới xuất nhập khẩu, khi Anh trong EU thì thuế suất thế nào, nếu rời khỏi EU thì thuế suất thay đổi ra sao, đồng thời chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu kỹ tác động tới từng nhóm ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trước mắt, theo nhận định của chúng tôi, quan hệ Việt Nam và Anh trong thương mại và đầu tư chiếm tỷ trọng không quá lớn, nên tác động trước mắt là chưa nhiều”, ông Lâm nói.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc KPMG phụ trách Văn phòng Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với EU vào cuối năm ngoái và Anh là thành viên rất lớn của EU, nên việc tiếp cận với thị trường EU bị ảnh hưởng như thế nào cần được xem xét, phân tích một cách thấu đáo. Bởi lẽ, thay vì có thể tiếp cận với 28 thành viên EU, thì trong thời gian tới, Việt Nam rất có thể sẽ không tiếp cận được với thị trường Anh theo các cam kết của hiệp định, khi Brexit chính thức trở thành hiện thực.
Những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ bị ảnh hưởng bởi Brexit và đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh mới cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng gián tiếp từ việc đồng Bảng Anh (GBP) sụt giảm, thị trường chứng khoán (TTCK) biến động, các chính sách đầu tư thay đổi do Brexit sẽ ảnh hưởng tới các thị trường khác, từ đó tác động tới Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, trở thành một phần của nền kinh tế thế giới.
Theo bà Hà, các doanh nghiệp có quan hệ thương mại đầu tư trực tiếp với Anh cần xem xét Brexit sẽ ảnh hưởng tới ngành lĩnh vực và doanh nghiệp của mình thế nào. Có ngành sẽ có tác động tích cực, ví dụ truyền thông quốc tế đưa tin, do hiệu ứng Brexit mà tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc và Hồng Kông vào bất động sản Anh tăng lên do GBP đang giảm giá. Do đó, cần theo dõi, phân tích tình hình kịp thời để nắm bắt cơ hội cũng như nhận diện thách thức để có giải pháp đối phó phù hợp.
Nên tận dụng Brexit để cải cách cơ chế thu hút vốn ngoại
Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài nhìn nhận, rất khó để khẳng định khi nào Anh chính thức rời EU, nghĩa là việc Anh rời EU còn nhiều yếu tố bất định. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là Brexit đang gây nên những tác động đa chiều đối với nền chính trị và kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trên khía cạnh kinh tế.
Bối cảnh trên buộc các nước sẽ phải năng động và linh hoạt hơn trong áp dụng các chính sách, đặc biệt là về tiền tệ để ứng phó với những tác động tiêu cực của Brexit. Điều này đồng nghĩa, ngân hàng trung ương các nước sẽ phải duy trì, thậm chí gia tăng liều lượng của chính sách nới lỏng tiền tệ, thậm chí có thể triển khai thêm các gói kích thích kinh tế như cách Mỹ đã từng làm.
Hiện nhiều quốc gia châu Âu và Nhật Bản đang triển khai các chính sách nới lỏng tiền tệ. Rất có thể họ sẽ còn phải gia tăng liều lượng của chính sách này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang lên kế hoạch cho gói kích thích kinh tế trị giá hơn 20.000 tỷ won (17 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước rủi ro từ tái cấu trúc và ảnh hưởng từ Brexit.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ phục hồi chưa vững chắc, xác suất để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào tháng 7 tới đang trở nên thấp hơn bao giờ hết, có khả năng quyết định tăng lãi suất sẽ không được đưa ra.
“Trong bối cảnh các nền kinh tế phải gia tăng việc triển khai các chính sách nới lỏng tiền tệ, nhiều khả năng điều này sẽ có những tác động tích cực lên TTCK toàn cầu sau khi thị trường ‘chiết khấu’ xong cú sốc về tâm lý, chứ không hẳn Brexit hoàn toàn tác động tiêu cực lên TTCK”, lãnh đạo công ty quản lý quỹ trên nói.
"Có thể nói, trong ngắn hạn, tác động của Brexit tới việc điều hành tỷ giá là không nhiều, cũng như tác động của GBP đến VND là rất hạn chế"
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV
Một số nhà lập quỹ khác cho biết, việc huy động vốn để lập quỹ đầu tư từ thị trường Anh nói riêng, châu Âu nói chung để đầu tư vào TTCK Việt Nam gặp khó khăn trong nhiều năm qua, nay xảy ra Brexit thì khó khăn tăng thêm. Điều quan trọng là dòng vốn từ Anh vào Việt Nam hiện không đáng kể, nên mức độ tác động của Brexit tới thị trường không nhiều.
Nhìn nhận dòng vốn ngoại vào Việt Nam không nên bó hẹp qua dòng vốn chảy vào thị trường cổ phiếu niêm yết, thị trường trái phiếu, mà cần nhìn rộng ra cả các doanh nghiệp ngoài sàn. Ngay cả trong bối cảnh dòng vốn ngoại có thể gây tác động tiêu cực đối với TTCK, thì dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ vẫn khởi sắc trong thời gian tới.
Một chuyên gia thuộc Bộ phận Tư vấn đầu tư Đông Nam Á của Tập đoàn Capital Partners (Nhật Bản) nhìn nhận, khi đồng EUR và GBP bất ổn thì JPY và USD sẽ lên giá. Nếu tình trạng này kéo dài trong quý III/2016, sẽ tạo thuận lợi cho các công ty Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản, cũng như thu hút khách du lịch từ hai thị trường này. GBP và EUR rẻ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến như năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường từ Anh và châu Âu với giá rẻ hơn.
Sự bất ổn của thị trường tài chính thế giới sẽ ảnh hưởng tới khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, nhưng cần lưu ý là khu vực này giảm sút lại có khu vực khác bù vào. Do đó, Việt Nam cần tận dụng diễn biến này để tăng thu hút vốn FDI. Chẳng hạn, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn khi thủ tục hành chính, nhất là về hải quan, thuế, kế toán… được giảm thiểu và thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dự báo của Capital Partners, hiện có hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, nhưng trong khoảng 5 - 10 năm tới, con số này có thể lên tới 5.000 - 10.000 doanh nghiệp, nếu Việt Nam tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút tốt hơn dòng vốn FDI.
Người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi EU
Liên quan đến tác động của Brexit đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam, vị chuyên gia của Capital Partners đánh giá, sự kiện này có tác động không đáng kể. Điểm yếu của TTCK Việt Nam trong thu hút dòng vốn FII không phải là thiếu tiềm năng tăng trưởng, mà là hoạt động cải thiện tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chưa được mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, thủ tục hành chính đầu tư vào TTCK Việt Nam áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài hiện còn rườm rà. Chẳng hạn, mỗi quỹ đầu tư đều phải xin Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cấp mã số giao dịch thông qua ngân hàng lưu ký sở tại, sau đó mới mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Do đó, mỗi khi thành lập quỹ mới từ Tokyo, các quỹ phải mất khoảng 2 tháng mới có thể giao dịch được chứng khoán tại Việt Nam. Việt Nam cần rút ngắn thời gian này, tránh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài nản lòng vì bị lỡ cơ hội đầu tư.
Một số doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn (GMC) cho rằng, trước mắt, sự kiện Brexit chỉ mới gây ra tác động về mặt tâm lý thị trường, chưa tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Brexit sẽ có tác động nhất định khi đồng Bảng Anh, đồng EUR giảm giá. EU là thị trường xuất khẩu lớn của Mỹ nên Brexit có thể tác động lớn đến đồng USD. Hiện tại, tỷ trọng xuất khẩu của GMC sang thị trường EU chiếm 30 - 35%, thị trường Mỹ chiếm hơn 50% và thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 10%.
Về lâu dài, theo ông Hùng, quan trọng nhất vẫn là vị thế của các nhà tiêu thụ, khi những tiêu chuẩn được nâng cao hơn, mức thuế xuất nhập khẩu cũng sẽ áp dụng ở mức khác, thì sự lựa chọn của các bạn hàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước trở nên khắt khe hơn. Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, sự kiện Brexit đang ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK, gây khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu tăng vốn do giá cổ phiếu giảm.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp khác cho hay, những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ bị ảnh hưởng bởi Brexit và đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh mới cho phù hợp với thực tiễn, cũng không loại trừ trường hợp phải tìm kiếm thị trường mới.
Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đồng JPY tăng giá 32 - 33 đồng, với khoản vay hơn 22 tỷ JPY, dự kiến PPC phải trích khoản trích lập dự phòng tài chính lên đến 700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 (trong đó, khoản trích lập dự phòng trong quý I/2016 là hơn 200 tỷ đồng). Chính vì vậy, mặc dù hoạt động kinh doanh duy trì khá ổn định, nhưng với khoản trích lập dự phòng lớn này, lợi nhuận 6 tháng của Công ty có thể là con số âm. Trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá JPY/VND dự báo tiếp tục có những biến động theo hướng bất lợi đối với PPC.
Đồng USD cũng có biến động tăng mạnh trong những ngày gần đây nên các doanh nghiệp vay nợ bằng USD cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Lãnh đạo CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) - doanh nghiệp đang có khoản vay hơn 123,6 triệu USD và hơn 112,9 triệu EUR cho hay, biến động giá của hai ngoại tệ này sẽ tác động đến kết quả kinh doanh trong quý II/2016 do Công ty tiếp tục phải trích lập dự phòng các khoản vay bằng ngoại tệ, đặc biệt là các khoản vay bằng đồng USD (trong quý I/2016, NT2 chịu khoản lỗ 58,6 tỷ do đánh giá lại các khoản mục ngoại tệ).
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV
Theo ông, tác động của đồng bảng Anh (GBP) tới đồng Việt Nam (VND) như thế nào?
Tại Việt Nam, tỷ giá được điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm, trên cơ sở theo dõi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng, đối chiếu với 8 đồng tiền các nền kinh tế có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam gồm: USD, Bath, Euro, CNY, Đôla Singapore, Yên Nhật, Won Hàn Quốc và đồng tiền của Đài Loan. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ xem xét tới những mục tiêu vĩ mô khi điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày.
Có thể thấy, GBP không nằm trong rổ tiền tệ so sánh và tác động trực tiếp của đồng tiền này tới chính sách tỷ giá Việt Nam là tương đối ít.
Về vai trò của GBP trong giao dịch ở thị trường Việt Nam, tỷ trọng giao dịch đồng tiền này (tại một số ngân hàng thương mại lớn) trong năm 2015 và 5 tháng đầu năm 2016 lần lượt là 0,19% và 0,27%. Tương tự, đối với EUR, tỷ trọng ngày lần lượt là 2,82% và 4,48%. Tỷ trọng giao dịch của GBP và EUR là nhỏ, nên tác động đến VND là không nhiều.
Đối với USD - đồng tiền phổ biến trong các giao dịch ngoại hối ở Việt Nam, trong khi đồng tiền này tăng khoảng 3% trong ngày 24/6, NHNN chỉ điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm khoảng 21 điểm, tương đương gần 0,1% giá trị của chỉ số. Đồng thời, NHNN phát hành tín phiếu nhằm nâng lãi suất VND để hạn chế hoạt động đầu cơ. Động thái này của NHNN là nhất quán trong thời gian gần đây mỗi khi thị trường có biến động mang tính thời điểm.
USD sau khi tăng giá do tâm lý trong ngày 24/6 hiện đã giảm trở lại quanh mức 22.300 - 22.310 đồng/USD.
Có thể nói, trong ngắn hạn, tác động của Brexit tới việc điều hành tỷ giá là không nhiều, cũng như tác động của GBP đến VND là rất hạn chế.
Về trung và dài hạn, tác động của Brexit đến chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam sẽ theo xu hướng lan truyền qua một số quốc gia có quan hệ đối tác thương mại hoặc cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để xác định chính xác động thái của các quốc gia này, cần tiếp tục theo dõi những diễn biến của Brexit và phản ứng của các nước trên trường quốc tế.
Dự báo của ông về tỷ giá từ nay đến cuối năm?
Trên thị trường quốc tế, Brexit ngay lập tức làm USD tăng giá so với hầu hết các ngoại tệ khác. Chỉ số USD DXY đo lường giá trị USD so với 6 ngoại tệ khác tăng 3,4% trong 2 ngày 24 và 27/6. Việc USD tăng giá trên thị trường quốc tế tác động đến VND trực tiếp và gián tiếp (thông qua CNY giảm giá) sẽ tăng áp lực giảm giá VND so với USD.
Tuy nhiên, Brexit cũng có một tác động ngược chiều là giảm khả năng Fed nâng lãi suất trong năm 2016. Khi Fed nâng lãi suất vào tháng 12/2015, thị trường ngoại hối Việt Nam đã chịu nhiều áp lực và tỷ giá trong giai đoạn đó tăng khoảng 1%.
Trước khi Brexit diễn ra, Fed dự đoán sẽ nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, nhưng hiện nay thị trường cho rằng, khả năng nâng lãi suất gần như bằng 0 hoặc chỉ có thể nâng 1 lần vào cuối năm. Với dự đoán này, áp lực giảm giá VND so với USD từ việc Fed nâng lãi suất lại giảm xuống.
Tóm lại, Brexit tạo ra những tác động trái chiều lên tỷ giá USD/VND. Nếu các yếu tố vĩ mô như cán cân thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ số giá tiêu dùng duy trì xu hướng thời gian vừa qua, thì tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ ổn định.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện yếu tố đảo chiều từ những yếu tố trên hoặc biến động bất lợi từ quốc tế, ví dụ Trung Quốc phá giá đồng nội tệ do USD tăng giá, tỷ giá USD/VND cũng sẽ chịu áp lực tăng giá theo với mức độ chưa dự đoán được vì còn phụ thuộc các yếu tố vĩ mô bên ngoài.
“Brexit không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam”
TS. Alan T.Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital
Còn trên khía cạnh thị trường tài chính, tiền tệ, việc đồng Euro, GBP suy yếu, trong khi USD tăng giá sẽ giúp giảm áp lực phá giá VND. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là Trung Quốc hiện xuất khẩu lớn vào EU và Anh, do đó trong trường hợp nhu cầu của các thị trường này suy giảm sẽ làm cho đồng Nhân dân tệ bị yếu đi. Khi đó, sẽ gây áp lực phá giá VND do kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Trung Quốc chiếm khá lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đối với thị trường vốn, sự bất ổn của thị trường tài chính Anh rất có thể sẽ thúc đẩy vốn từ thị trường này tìm đến các điểm đầu tư mới trên toàn cầu, trong đó có các thị trường mới nổi, mà Việt Nam đang là một trong những mối quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Do dòng vốn huy động từ thị trường Anh đầu tư vào Việt Nam hiện không đáng kể và không mấy tăng trưởng trong thời gian gần đây, nên sau Brexit sẽ khó có những tác động mạnh lên thị trường tài chính Việt Nam.
“Brexit sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhóm nhà đầu tư dài hạn”
Ông Trần Vinh Quang, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM)
Thứ nhất là áp lực tỷ giá. Khi Anh quyết định rời EU, GBP đã rớt giá hơn 10% trước những e ngại về xáo trộn của nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới này. Ngân hàng trung ương các nước có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều khả năng sẽ phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Điều này sẽ tạo áp lực nên các nước còn lại theo hiệu ứng lan tỏa. Đối với các thị trường đang phát triển như Việt Nam, điều này không có lợi cho TTCK trong ngắn hạn.
Thứ hai là dưới góc độ rủi ro. Ngay sau khi xảy ra sự kiện Brexit, các NĐT trên thế giới đã đẩy mạnh mua những tài sản mang tính phòng thủ, đặt biệt là vàng. Điều này cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro của NĐT tài chính đã hạ đến mức thấp nhất. Tất yếu các dòng tiền đầu cơ (thông qua quỹ mở, quỹ ETF) trên TTCK ở các nước đang phát triển sẽ được rút về. Tuy nhiên, Brexit tác động đến nhóm NĐT nước ngoài có chiến lược mua bán ngắn hạn, mà không ảnh hưởng nhiều đến nhóm NĐT xác định mục tiêu đầu tư lâu dài vào các thị trường tiềm năng ở Đông Nam Á. Thậm chí, Brexit có thể được xem như cơ hội để NĐT tham gia các TTCK Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang được định giá hấp dẫn hơn so với các TTCK đã phát triển khác.
“Các tài sản rủi ro chịu áp lực rất lớn”
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)
Các tài sản rủi ro đã phải chịu áp lực rất lớn bởi nhà đầu tư lo ngại rằng, đà phục hồi vốn mong manh của kinh tế thế giới sẽ chấm dứt do tác động của Brexit. Hơn 4.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị “bốc hơi” khỏi chứng khoán toàn cầu.
Trên thị trường tiền tệ, GBP tiếp tục xuyên thủng đáy thấp nhất 31 năm, giảm xuống còn 1,3178 USD/1 GBP. Euro giảm 1,3% so với USD, sau khi giảm 2,4% trong phiên trước đó.
Giá vàng tại Việt Nam đang thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 350.000 đồng/lượng do thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường vàng thế giới.
Trong nửa cuối năm, dự báo thị trường vàng thế giới biến động theo chiều hướng tăng, nhưng khó vượt qua ngưỡng 1.400 USD/ounce. Trường hợp xấu, giá vàng sẽ khó giảm sâu, kể cả khi Fed sớm có quyết định tăng thêm lãi suất. Bởi lẽ, đồng USD đã tăng giá mạnh trong thời gian qua, đồng thời tình hình ở Anh khá bất ổn và khu vực đồng tiền chung châu Âu đang giảm giá. Trước mắt, nhiều khả năng giá vàng có xu hướng tăng nhẹ cho đến khi Fed tăng thêm lãi suất.