Brexit không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính Việt Nam

(ĐTCK) Nước Anh chính thức rời khỏi EU. Đồng bảng Anh (GBP) trong ngày thứ Sáu (24/6) đã giảm giá 11% so với đồng USD, gần gấp đôi mức giảm trong ngày “Thứ Tư đen tối” năm 1992. Tuy nhiên, theo các các chuyên gia, tác động của Brexit không ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính Việt Nam.
Tác động của Brexit không ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính Việt Nam Tác động của Brexit không ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính Việt Nam

Những lo lắng của thị trường tài chính quốc tế

Vương quốc Anh vốn được coi là “cửa ngõ” của nhiều tập đoàn tài chính và công ty sản xuất để thâm nhập vào châu Âu. Do vậy, với việc rời khỏi EU, các tập đoàn trên sẽ phải cân nhắc chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh khỏi quốc gia này, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và tác động xấu tới nền kinh tế. Trong khi đó, năm 2015 tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh với EU vào khoảng 223 tỷ bảng, chiếm khoảng 44% tổng xuất khẩu. Hiện nay, xuất khẩu đang không phải chịu thuế, nhưng điều này sẽ thay đổi khi Anh rời khỏi EU, thuế cao hơn dẫn tới thương mại giảm sút, tác động tiêu cực tới GDP của cả Anh và EU…

Trong buổi giải trình ngày thứ Tư và thứ Năm tuần qua trước Quốc hội, Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Jellen đã đề cập đến 2 vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ là Brexit và sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc. Với lựa chọn Brexit, kinh tế Anh và EU sẽ đều sụt giảm trong ngắn và trung hạn, tác động mạnh tới kinh tế Mỹ, đặc biệt khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Bên cạnh đó, việc chọn rời bỏ EU kéo theo đồng GBP, EUR giảm giá và các nhà đầu tư đổ tiền vào đồng USD sẽ làm đồng tiền này tăng giá, gây khó khăn cho xuất khẩu của Mỹ và nền kinh tế nước này, đặc biệt trong bối cảnh USD đang cao hơn giá trị thực 10-20%, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhiều dự báo cho rằng, có khả năng Fed sẽ không nâng lãi suất trong tháng 7 tới.

Thực tiễn cho thấy, sau khi có những thông tin bất lợi về kết quả trưng cầu ở Sunderland, tỷ giá GBP/USD đã giảm sâu xuống mức 1,42 GBP/1 USD, từ mức trên 1,50 khi quá trình kiểm phiếu bắt đầu (biểu đồ). Báo cáo của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV phân tích: “GBP trong ngày giảm giá 11% so với USD, gần gấp đôi mức giảm trong ngày ‘Thứ Tư đen tối’ năm 1992, khi tỷ phú George Soros đánh sập thị trường tài chính Anh và kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù 1 tỷ bảng. Chỉ số USD Index DXY tăng mạnh khoảng 3% trong ngày do EUR và GBP cùng giảm giá. Đồng thời, đồng yên Nhật (JPY) cũng tăng khoảng 5% và vàng tăng khoảng 7% so với ngày 23/6, do đây được coi là những tài sản an toàn và thường được mua vào mạnh khi có những biến động bất lợi trên thị trường tài chính thế giới”. 

Thương mại: Không có ảnh hưởng trong trung-dài hạn

Ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế tại các thị trường châu Á, Ngân hàng HSBC nhận định: “Chúng ta có thể không biết được phản ứng hiện tại của thị trường, nhưng châu Á đang ở một vị trí vững chắc để có thể chịu được chấn động mới nhất từ châu Âu. Nói rộng ra, các tác động có thể quản lý được, nhưng vẫn có các nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ về thương mại và tài chính (hoặc nợ) với kinh tế EU sẽ nhận thấy sức ép lớn nhất, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng-KôngMalaysia, Singapore và Thái Lan. Các nước ít bị ảnh hưởng hơn, ít nhất là về tăng trưởng (nếu không tính đến những biến động trên thị trường ngoại hối) là Ấn Độ, Indonesia và Philippines. Trung Quốc và Việt Nam đang ở đâu đó giữa hai cực này”.

Về tổng thể, trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, có lẽ các thị trường tài chính, trong đó có Việt Nam đã phản ứng thái quá về câu chuyện Brexit. Bởi một quốc gia đã tham gia, sau đó rút ra khỏi một khối liên minh bao gồm rất nhiều vấn đề, nhưng Brexit chủ yếu về địa chính trị, chứ không phải từ các lý do kinh tế. Bản chất nước Anh là một trong những đầu tầu kinh tế quan trọng của thế giới, nên sẽ có đầy đủ các công cụ, giải pháp giải quyết vấn đề này.

Các số liệu của BIDV cho thấy, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại với Anh từ năm 1995 cho đến nay, với tỷ trọng xuất khẩu sang nước này chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Trong khi đó, nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 0,3% tổng nhập khẩu vào Việt Nam và hầu hết các mặt hàng không mang tính đặc thù. Nhìn chung, Anh không phải là đối tác quan trọng đối với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư nên dù GDP của nước này giảm sẽ tác động xấu tới thương mại với Việt Nam, song các tác động tiêu cực sẽ không lớn.

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế châu Á, Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh: “Anh không phải là một điểm đến trực tiếp đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động nào từ trung đến dài hạn ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam”.

Ông Quang phân tích thêm, thực tế, các hợp tác kinh tế, chính trị… của nước Anh không chỉ riêng trong trong khối EU, mà nước Anh hợp tác rất sâu rộng với các khu vực kinh tế trọng điểm như Mỹ, Nhật, châu Á và nước Anh chắc chắc sẽ tiếp tục tìm khai thác các mối quan hệ này. Do đó, Brexit chắc chắn không phải là “dấu chấm hết” của nước Anh hay thế giới. Đương nhiên, những quan ngại là có cơ sở và rõ ràng, diễn biến của thị trường tài chính trong nước và quốc tế đã phản ứng mạnh, đồng thời rất khó để dự đoán, sắp tới sẽ có những thay đổi gì và tác động ra sao đến toàn cục kinh tế Anh và thế giới. Đa số các thị trường tài chính, trong đó có Việt Nam đã có các động thái bán tháo chứng khoán.

Brexit không ảnh hưởng nhiều đến thị trường tài chính Việt Nam ảnh 1

Thị trường việt nam: Lo lắng thái quá

Với những quan ngại liên quan đến thị trường ngoại hối, khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, tỷ giá USD/VND ngày thứ Sáu (24/6) tăng khoảng 30 điểm, từ mức đóng cửa 22.310 đồng/USD ngày 23/4 lên mức 22.340 đồng/USD cuối giờ giao dịch sáng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều lãnh đạo ngân hàng, nguyên nhân chính là do nhu cầu trong kế hoạch của một số tổ chức lớn và đóng cửa thị trường tỷ giá ổn định ở quanh mức 22.340 đồng/USD.

Báo cáo của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV phân tích, tác động xấu của Brexit lên thị trường ngoại hối trong nước đến từ việc chỉ số USD DXY trên thế giới tăng giá, gây áp lực lên các ngoại tệ khác và VND. Trong khi đó, lãi suất VND đang xuống thấp, khiến chi phí nắm giữ USD giảm, nên nhiều tổ chức mong muốn nắm giữ ngoại tệ để đề phòng biến động trên thị trường thế giới, gây áp lực tăng tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra nguy cơ này, nên trong ngày 24/6 đã phát hành tín phiếu với số lượng khoảng 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 1,75%/năm, mục đích là tăng lãi suất VND, qua đó tăng chi phí nắm giữ USD và hạn chế hành vi đầu cơ.

“Song nhìn chung, tác động của Brexit lên thị trường ngoại hối và tiền tệ trong nước đến thời điểm này là khá hạn chế”, Báo cáo của BIDV nhận định.

Ông Quang phân tích, đỉnh điểm trong sáng thứ Sáu, có thời điểm GBP mất giá khoảng 10%, nhưng chỉ trong 2 tiếng sau khi kết quả Brexit được công bố, GBP đã phục hồi lại được 2% cho thấy, việc mất giá 10% hay 8% không phản ánh thực tế sức khỏe của đồng tiền này nói riêng và kinh tế Anh nói chung, mà nhiều hơn là của giới đầu cơ hay vấn đề tâm lý.

“Câu chuyện nước Anh rời khỏi EU không thể diễn ra trong nay mai, bởi từ khi quyết định đến khi chính thức rút khỏi EU, quá trình thực hiện cũng phải kéo dài tối thiểu 1-2 năm và trong khoảng thời gian này, kinh tế toàn cầu hoàn toàn có thể có các giải pháp, trong đó ngân hàng trung ương các nước sẽ có đầy đủ công cụ để hỗ trợ về thanh khoản. Đối với thị trường tài chính Việt Nam, không có biến động quá nhiều, riêng TTCK có vẻ hơi lo lắng, còn câu chuyện về lãi suất và tỷ giá đều không có vấn đề gì”, ông Quang nhận định.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Chidu Narayanan cho rằng, đối với các ngoại tệ nói chung, sự ra đi của Anh có thể là nguy cơ đáng kể về mặt tâm lý và tỷ giá hối đoái của châu Á, trừ Nhật Bản, tất nhiên sẽ có một số áp lực mất giá nhất định. Đối với đồng Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng, sẽ có chút ít biến động, nhưng ổn định hơn so với các đồng tiền châu Á khác.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng đưa ra gợi ý thú vị: “Những điều tôi quan tâm nhiều hơn trong lúc này, đó là nhu cầu nói chung từ phương Tây và nếu Mỹ đang trong giai đoạn mới nhất của chu kỳ tăng trưởng, đó cũng là mối quan tâm của Việt Nam, thay vì chỉ quan tâm đơn thuần đến Brexit”.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục