Số liệu vừa công bố của Tổng Cục thống kê cho thấy bình quân CPI 6 tháng đầu năm tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015. Với mức tăng bình quân này, Tổng cục thống kê cho rằng CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp so với cùng kỳ của các năm trước, tính bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,39%.
Phân tích của Tổng Cục thống kê cho thấy có nhiều yếu tố giúp kiềm chế CPI trong 6 tháng đầu năm, trước hết là do giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ổn định, có một số mặt hàng hàng có xu hướng giảm mạnh trong quý I khiến một loạt các chỉ số giá là các yếu tố tác động tới CPI cũng giảm tương ứng như chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm so cùng kỳ đã giảm 7,77%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,65%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng giảm 1,15%.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu bình quân 6 tháng đầu năm giảm 21,07% so cùng kỳ năm trước và giảm 8,6% so tháng 12 năm trước, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “giao thông” 6 tháng đầu năm 2016 giảm 9,37% so với cùng kỳ năm trước góp phần giảm CPI chung khoảng 0,85%.
Ảnh hưởng từ Brexit chủ yếu là đến châu Âu và Mỹ, tại châu Á, các thị trường lớn chịu ảnh hưởng chủ yếu là Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản, phần lớn là các quốc gia phát triển.
Một yếu tố đáng chú nữa là chỉ số lạm phát cơ bản bình quân năm so với năm trước trong 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 cũng tăng khá thấp ở mức 1,8%, thấp hơn nhiều so với mức 7,8%- 13,7% trong giai đoạn từ 2010- 2012 và thấp hơn so với mức 2,32% của năm 2015 và mức 3,31% của năm 2014.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung và lạm phát cơ bản gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhận định về khả năng tác động của hiện tượng Brexit tới áp lực tăng CPI của Việt Nam, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng có nhưng không lớn.
“Ảnh hưởng từ Brexit chủ yếu là đến châu Âu và Mỹ, tại châu Á, các thị trường lớn chịu ảnh hưởng chủ yếu là Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản, phần lớn là các quốc gia phát triển. Còn đối với Việt Nam là nước đang phát triển, quá trình hội nhập sâu rộng mới đang bắt đầu, tuy đã ký TPP song bây giờ mới bắt đầu triển khai thực hiện nên có thể nói tác động chưa quá lớn. Tuy nhiên, do Việt Nam và Anh cũng như các thị trường ảnh hưởng đều có quan hệ thương mại đầu tư trực tiếp và gián tiếp nên cần chờ đợi và theo dõi chặt chẽ để có những đánh giá tác động và biện pháp điều hành kịp thời tránh tác động lan tỏa ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, bà Ngọc nhấn mạnh.