Bớt mối lo mang tên Fed, điều hành tỷ giá vẫn cần thận trọng

(ĐTCK) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này và về dài hạn, đồng USD đang chịu sức ép giảm giá. Điều này có thể tạo ra những kịch bản khác cho tỷ giá VND/USD nửa cuối năm nay.
Tỷ giá VND/USD không biến động lớn từ đầu năm tới nay

Đồng USD không mạnh lên mãi

Đầu tuần này (25/7), tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô-la Mỹ ở mức 22.429 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.725 đồng/USD và bán ra ở mức 23.082 đồng/USD. Tỷ giá USD/VND cùng ngày của hầu hết các ngân hàng thương mại giữ mức không đổi so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.695 đồng - 22.765 đồng (mua-bán).

Đây cũng là mức gần như không đổi trong trong thời gian gần đây. Nếu tính từ đầu năm, tỷ giá có biến động trong một số thời điểm, nhưng nhìn chung  ổn định quanh mức 22.680 - 22.750 VND/USD.

Trên thị trường thế giới, đồng bạc xanh tiếp tục chịu sức ép so với các ngoại tệ chủ chốt khi các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới bắt đầu xoay chuyển chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt cùng với những bất ổn chính trị tại Washington.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 25/7, trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hồi phục đôi chút, nhưng vẫn đang ở vùng đáy kể từ đầu năm: khoảng 94,00 điểm.

Sự chú ý của thị trường tuần này tập trung vào kết quả cuộc họp chính sách của Fed. Hầu hết các nhà phân tích đều dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại kỳ họp lần này. Chủ tịch Fed bà Janet Yellen sẽ không tổ chức họp báo, do đó thông cáo chính sách đưa ra tuần này được cho là có thể sẽ không tác động lớn đến thị trường.

Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế Mỹ vẫn cho thấy nhiều sự cải thiện hơn là trì trệ kể từ kỳ họp lần trước của Fed. Vì vậy, theo các chuyên gia, khả năng Fed sẽ vẫn giữ nguyên giọng điệu tích cực về triển vọng kinh tế Mỹ cũng như lộ trình nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.

Việc Fed tăng lãi suất được cho là khó tránh áp lực lên tỷ giá, song lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được vạch ra từ trước và thực tế sau các kỳ tăng lãi suất, tỷ giá tiền đồng vẫn ổn định.

Nhận diện các yếu tố tác động tới tỷ giá

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, tỷ giá diễn biến khá ổn định khi kết thúc tuần trước, tỷ giá ngân hàng giữ nguyên ở mức 22.700 - 22.770 đồng/USD, trong khi tỷ giá tự do giảm nhẹ khoảng 30 đồng/USD, về sát hơn với mức tỷ giá ngân hàng. Đáng chú ý, NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm với tổng mức giảm 13 đồng từ 22.445 đồng xuống 22.432 đồng và giảm tiếp 3 đồng nữa trong phiên đầu tuần này là ngày 24/7. Đây là một động thái rất kịp thời và phù hợp của NHNN nhằm chặn kỳ vọng tăng tỷ giá đã manh nha xuất hiện sau khi NHNN tăng tỷ giá mua vào USD.

NHNN cho biết, đã mua thêm được 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên hơn 42 tỷ USD.

Một số phân tích đang chỉ ra rằng, điều kiện để kiểm soát tỷ giá trong nước vẫn khá thuận lợi khi trên thị trường thế giới đồng USD tiếp tục mất giá. Điều quan trọng là sự nhanh nhạy của NHNN trong điều tiết thị trường đã giúp tỷ giá ổn định, đây là yếu tố quan trọng để tiếp tục kiên định với chính sách lãi suất USD bằng 0%/năm hiện hành. Nhưng khả năng trong thời gian tới, đồng USD sẽ tăng giá trở lại, nhất là vào thời điểm cuối năm khi cầu về ngoại tệ tăng.

Theo nhận định của TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, năm nay, đồng Việt Nam có thể mất giá từ 1-2% so với USD. "Đây là ngưỡng có thể chấp nhận được, nhất là khi đồng USD tăng giá”, ông Lực cho biết.

HSBC Việt Nam cũng có dự báo tương tự và cho rằng, lần tăng lãi suất tiếp theo của Fed sẽ vào tháng 12/2017 thay vì tháng 9 như dự đoán trước đây vì khó có khả năng Fed muốn thắt chặt chính sách tiền tệ với việc tăng lãi suất và giảm khối lượng nắm giữ trái phiếu cùng một lúc trong tháng 9/2017.

Dự báo trong năm 2017, yếu tố tác động lớn nhất tới tỷ giá là từ nội tại, mà cụ thể là nhập siêu gia tăng. Tính tới 15/6, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/6 thâm hụt hơn 2,8 tỷ USD, bằng 3,2% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Tất nhiên, như nhiều năm trước, nguồn bù đắp lượng thậm hụt này vẫn là ODA, vốn FDI, kiều hồi giúp làm giảm áp lực lên tỷ giá. Dù vậy, yếu tố mùa vụ, đặc biệt là đợt nhập hàng Tết diễn ra từ sau tháng 10 có thể gây căng thẳng ngắn hạn về nguồn cung ngoại tệ.

Yếu tố tiếp theo là Fed, như đã được các chuyên gia dự báo là sẽ không tác động lớn lên tỷ giá như dự báo đầu năm. Nhưng về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo với mục tiêu nâng lên mức 3%/năm vào cuối năm 2019, chắc chắn là nhân tố có ảnh hưởng.

Cuối cùng là xu hướng mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ, đây là nhân tố phải tính tới bởi thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc vẫn đang ở mức rất cao.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục