"Bóng ma" mang tên "đã kiểm định"

Liên tiếp một loạt vụ việc xảy ra trong những ngày qua liên quan tới hoạt động kiểm nghiệm khiến dư luận phải đặt câu hỏi về công tác kiểm soát, chứng nhận chất lượng hàng hóa của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng chính là đại họa. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet Đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng chính là đại họa. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Minh chứng là trong khi vụ 11 trung tâm kiểm định phân bón “ma” chưa kịp lắng xuống, thì cuối tuần qua lại rộ lên thông tin Công ty TNHH URC Việt Nam hối lộ cán bộ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (NIFC) tiền tỷ để làm đẹp kết quả xét nghiệm sản phẩm nước giải khát bị nghi có nồng độ chì vượt ngưỡng cho phép.

Trước đó, dư luận vô cùng “sốc” khi Cơ quan Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón. Kết quả thanh tra cho thấy, 11 tổ chức mà Cục Trồng trọt chỉ định được chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón đều có sai phạm nghiêm trọng, thậm chí có dấu hiệu hình sự trong cấp phép, kiểm tra, có dấu hiệu giả mạo giấy tờ của cơ quan nhà nước và bị Cơ quan Thanh tra đề nghị rút giấy phép.

Hậu quả là hàng ngàn tấn phân bón kém chất lượng dù không qua kiểm định chất lượng, nhưng vẫn được đóng dấu hợp quy để tung ra thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất, khiến người nông dân khóc ròng vì lúa lép, ngô không hạt, đất bạc màu, nguồn nước ngầm ô nhiễm… Đối với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng chính là đại họa.

Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, đã rộ lên thông tin về việc lực lượng thú y ở nhiều địa phương mua - bán giấy kiểm dịch khống. Với những tờ giấy này, dù lợn bệnh, gà chết cũng đương nhiên được xác nhận... đã qua kiểm dịch. Riêng vụ URC Việt Nam, những kết quả kiểm nghiệm rất khác nhau về cùng một sản phẩm càng làm niềm tin của người dân với cơ quan kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm bị lung lay.

Điều đáng nói là những sai phạm rõ ràng lại chưa được xử lý thích đáng. Đơn cử, với sai phạm nghiêm trọng  của 11 trung tâm kiểm định phân bón, cơ quan Thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ kiến nghị rút giấy phép của các trung tâm này. Trong khi đó, trách nhiệm của những người đứng đầu các trung tâm và cả Cục Trồng trọt (đơn vị cho phép các trung tâm này chứng nhận dù chưa đủ điều kiện) lại không được nhắc đến.

Cơ quan Thanh tra cũng chưa đưa ra kiến nghị xử lý hàng ngàn tấn phân bón kém chất lượng mà 11 trung tâm này đã cấp giấy hợp quy để tung ra thị trường.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Một khi người tiêu dùng mất niềm tin vào doanh nghiệp và mất luôn cả niềm tin vào các cơ quan kiểm định nhà nước thì hàng hóa nước ngoài lại càng có cơ hội, rộng đường tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải khẩn trương rà soát lại quá trình cấp phép, đồng thời giám sát chặt hoạt động kiểm định chất lượng. Ngoài ra, phải xử lý thật nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các cán bộ nhà nước vi phạm để dần lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với hàng hóa trong nước. Quy trình, chi phí kiểm nghiệm cũng phải được giảm bớt hơn nữa để đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp không phải nghĩ cách “đi đêm”.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục