Bông Bạch Tuyết liệu có biến mất?

(ĐTCK-online) Đỉnh điểm căng thẳng ở Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) diễn ra khi Tổng giám đốc Tạ Xuân Thọ rời khỏi bàn họp để phản đối việc Công ty Dệt may Gia Định (DMGĐ), đại diện quản lý 30% vốn nhà nước tại BBT không chịu thông qua nội dung kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho đối tác chiến lược.
Ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT bày tỏ "bức xúc" với với chí Ông Tạ Xuân Thọ, Tổng giám đốc BBT bày tỏ "bức xúc" với với chí

Bà Phan Vũ Trầm Hương, Phó phòng Quản lý niêm yết, đại diện của Sở GDCK TP. HCM tham dự đại hội phải đăng đàn phát biểu: "Tôi đã đi họp nhiều ĐHCĐ, nhưng chưa thấy đại hội nào lộn xộn như đại hội của BBT" và kêu gọi mọi người bình tĩnh. Mặc dù ông Thọ đã quay lại bàn họp, nhưng kể từ phút này trở đi, không khí khán phòng trở nên không thể kiểm soát. Chủ tịch đoàn cố gắng kết thúc mọi thủ tục khi đại hội đã kéo dài hơn 3 giờ so với dự kiến. Phút cuối, đại hội thông qua một số nội dung: bầu HĐQT mới, thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2008... nhưng nội dung quan trọng nhất, có ý nghĩa sống còn với BBT lúc này là kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược 8,16 triệu cổ phiếu, với giá bán 73,44 tỷ đồng, đã không được thông qua.

Thực trạng về BBT

"BBT đang lâm nguy và đứng ngấp nghé bên bờ vực đổ vỡ. Nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược không được thông qua, BBT chắc chắn sẽ phá sản. Thậm chí, có thể ngân hàng sẽ phát mại tài sản của Công ty ngay trong tháng 9 tới", ông Thọ bức xúc phát biểu với báo giới trên đường rời bàn họp. Theo phần trình bày trước đó của ông Thọ với 86 cổ đông dự đại hội, hiện nguồn vốn lưu động của Công ty thiếu hụt nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, Công ty chủ yếu sử dụng nguồn vay tín chấp vì ngân hàng đã không cho vay thêm khi tài sản của BBT đã thế chấp những năm trước. Hiện tại, tiền lãi phải trả hàng tháng của BBT là hơn 700 triệu đồng, chưa kể trả gốc. Tổng số nợ phải trả của BBT là 47 tỷ đồng/tổng tài sản 100 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn bao gồm các khoản phải thu chỉ khoảng 25 tỷ đồng, trong đó có 2 tỷ đồng đồng nợ khó đòi. Mỗi năm, Công ty phải dành trả lãi vay ngân hàng hơn 10 tỷ đồng, bằng lợi nhuận của BBT thời hoàng kim.

Bà Trần Thị Đem, Quản đốc phân xưởng bông, đồng thời là cổ đông của BBT chua xót: "Là người đã gắn bó với BBT 43 năm, trải qua 8 đời giám đốc, tôi rất sâu sát tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty. Hiện tại, công nhân phân xưởng bông đã phải ngưng sản xuất vì hết nguyên vật liệu, vì vậy nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh khác của Công ty cũng ngừng trệ theo. Công nhân đang nghỉ vì không có việc làm. Tất cả vì thiếu vốn". Được biết, trong năm 2007, doanh thu BBT chỉ đạt 64,19 tỷ đồng (đạt 89,11% kế hoạch) và lỗ 6,8 tỷ đồng (trong khi kế hoạch là lãi 8,5 tỷ đồng). Trước đó, năm 2006, BBT lỗ 8,48 tỷ đồng.

Bông Bạch Tuyết liệu có biến mất? ảnh 1
Cổ đông chán nản khi Công ty "tắc" lối ra

Sở dĩ có tình trạng này là hoạt động sản xuất, kinh doanh của BBT trong hai năm qua có các khó khăn khách quan như: giá bông nguyên liệu tăng 20%; BBT phải ngừng sản xuất, kinh doanh 4 tháng để chuyển phân xưởng ở đường Âu Cơ tích hợp với nhà máy ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc; phải cạnh tranh mạnh với các đối thủ trong mặt hàng băng vệ sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là sự quản lý yếu kém từ các đời lãnh đạo trước. Sự việc nhấn chìm BBT là việc nhập dây chuyền sản xuất bông và băng vệ sinh trị giá 100 tỷ đồng, nhưng thiết bị không đồng bộ, khiến Công ty mất gần 3 năm khắc phục. Sau khi đưa dây chuyền vào vận hành, sản phẩm băng vệ sinh không tiêu thụ được. Trong khi đó, khoản vay ngân hàng vẫn phải trả lãi. Đầu tư quá lớn nên BBT không còn nguồn vốn lưu động, phải đi vay ngân hàng và vòng luẩn quẩn bắt đầu.

 

Vì sao DMGĐ không thông qua?

Trao đổi với ĐTCK về lý do không thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược, ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc DMGĐ cho biết: "DMGĐ chưa đồng ý với bốn lý do: thứ nhất, Ban giám đốc điều hành kém, số liệu báo cái tài chính không rõ ràng, kế hoạch doanh thu năm 2008 của BBT giảm hơn năm ngoái; thứ hai, tình hình tại BBT đang lộn xộn; thứ ba, phát hành cho NĐT chiến lược, nhưng chúng tôi chưa biết năng lực của NĐT đó như thế nào; thứ tư, chúng tôi không đồng ý giá phát hành thấp hơn mệnh giá".

Tuy nhiên, tại đại hội, ông Lê Văn Minh, Giám đốc CTCK Agribank - Chi nhánh TP. HCM, thành viên HĐQT BBT đặt vấn đề: "Tại sao các NĐT bỏ tiền vào một công ty thua lỗ không lo, còn nhà quản lý lại lo? Tại sao các cổ đông lớn, đại diện vốn nhà nước lại cố gắng ngăn cản việc này?".

Theo dòng thời sự

*CBCNV Bông Bạch Tuyết dự định đình công vào ngày 18/7
*Bông Bạch Tuyết: Chưa biết ngày giao dịch trở lại
*Cổ phiếu BBT sẽ được giao dịch trở lại vào ngày 16/7?
*Tạm dừng giao dịch cổ phiếu BBT, vì sao?
*Từ 11/7, cổ phiếu BBT bị tạm ngừng giao dịch
*HOSE đưa BBT vào diện cổ phiếu bị kiểm soát

Theo thông lệ, các nội dung quan trọng tại ĐHCĐ đã được các cổ đông lớn bàn bạc và nhất trí từ trước. Nhưng ĐHCĐ của BBT không thấy sự nhất trí này. Ông Thọ trao đổi với ĐTCK về vấn đề này khi kết thúc đại hội: "Đại diện DMGĐ đã thông qua việc phát hành trong phiên họp chuẩn bị, nhưng tại ĐHCĐ họ đã quay ngoắt 180 độ. Sở dĩ có việc này là do DMGĐ thấy việc chào bán cho đối tác chiến lược sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu tại BBT, mất quyền lực của họ" (theo quy định, khi một CTCP lỗ trong năm trước đó thì không được phát hành cổ phiếu ra công chúng).

Bên lề ĐHCĐ, một cán bộ về hưu đang sở hữu 12.000 cổ phiếu BBT cho biết, tình trạng mất đoàn kết và phe phái đã diễn ra từ lâu và tất cả các rắc rối tại đại hội xuất phát từ những tồn đọng này.

 

Lối ra nào cho BBT?

Kể từ khi Ban giám đốc mới tiếp quản BBT từ tháng 6/2007, BBT đã tính toán lại chi phí, doanh thu và lợi nhuận của từng mặt hàng. Theo bà Phạm Tâm Anh, Phó giám đốc BBT, việc kinh doanh mặt hàng băng vệ sinh không có sức cạnh tranh với các đối thủ do Công ty không có tiềm lực tài chính. BBT xác định, dồn tất cả nguồn lực sang sản xuất những mặt hàng có lãi là bông, gạc y tế, băng phụ sản... Điều cần thiết với BBT hiện tại là phải có ngay nguồn vốn lưu động.

Theo ông Thọ, chỉ cần ĐHCĐ thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu thì đối tác chiến lược sẽ rót 20% vốn (tương đương 14,68 tỷ đồng), Công ty sẽ tạm thời vượt qua giai đoạn nguy ngập hiện nay. Đại diện CTCP Đầu tư Trúc Anh (dự kiến mua 40% cổ phiếu phát hành thêm của BBT) trao đổi với ĐTCK sau đại hội: "Chúng tôi lấy làm tiếc vì kế hoạch chưa được thông qua, nhưng chúng tôi vẫn quan tâm đến BBT và để ngỏ khả năng hợp tác này vì chúng tôi đánh giá cao thương hiệu và tiềm năng của BBT".

Xin kết thúc bằng lời phát biểu của đại diện Sở GDCK TP. HCM có mặt tại đại hội: "Tôi thực sự kinh ngạc và cảm phục trước tâm huyết của nhiều cổ đông. Khi Công ty đã ngấp nghé bên bờ vực phá sản, vẫn có người muốn mua cổ phiếu của Công ty, nhưng lại có vị vẫn chưa muốn bán!".

V.P
V.P

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ