Bốn điểm "ngược đời" của TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Không một TTCK nào với trên 700 DN niêm yết mà giá trị giao dịch lại thấp và nhiều cổ phiếu có giá dưới 2 USD như Việt Nam.
Ông Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam tại TP. HCM Ông Bùi Nguyên Hoàn, Trưởng đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam tại TP. HCM

Giải pháp cho TTCK trước mắt và cả lâu dài, cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp về chính sách, về quản lý và về kỹ thuật nghiệp vụ.

Nhận diện những điểm ngược quy luật

TTCK vốn là biểu trưng của sự công bằng, minh bạch, nhưng TTCK Việt Nam trong hơn 12 năm qua vẫn chưa xử lý được tồn tại lớn nhất là thiếu công bằng và thiếu minh bạch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những bê bối của các CTCK, công ty niêm yết, dẫn đến người đầu tư đã và đang từng bước rút khỏi thị trường.

Không công bằng trong giao dịch bây giờ là chuyện nhỏ, nhưng không công bằng giữa các cổ đông trong cùng công ty niêm yết là câu chuyện lớn. TTCK Việt Nam hoạt động trên một nền tảng các chuẩn mực quản trị công ty cổ phần đại chúng, nhưng tại nhiều công ty niêm yết và công ty đại chúng, phương cách quản trị cơ bản vẫn như là DNNN, hoặc như là DN tư nhân. Nhiều người đầu tư nhỏ (cổ đông thiểu số) như bị bỏ rơi, quyền lợi hợp pháp của họ bị xâm phạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với vị trí pháp lý và bộ máy như hiện nay, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng chưa làm được vai trò người trọng tài, người bảo vệ lợi ích hợp pháp cho mọi cổ đông trong công ty đại chúng. Nhiều người đầu tư nhỏ nhìn thấy sự lép vế, thua thiệt, tất yếu họ phải tìm cách rút khỏi thị trường.

Trong khi đó, dù đã ở tuổi 13, nhưng TTCK Việt Nam vẫn nghèo nàn về chứng khoán và đơn điệu về giao dịch. Số chứng khoán niêm yết tại 2 Sở giao dịch đến nay là 705 mã, chưa phải là con số đáng kể ở một đất nước hơn 85 triệu dân và trên 400.000 DN đang hoạt động. Những đơn vị kinh tế lớn thuộc các ngành kinh tế chủ chốt vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, đang nằm ngoài TTCK.

Số chứng khoán và giá trị vốn niêm yết thấp, thì giá trị giao dịch thấp là một vấn đề. Các loại chứng khoán giao dịch trên thị trường đến nay vẫn chỉ đơn điệu là cổ phiếu phổ thông, rất nhiều loại cổ phiếu khác, Luật Doanh nghiệp đã cho phép phát hành, nhưng vẫn chưa được DN phát hành, hoặc phát hành chưa đúng chuẩn. Nhiều loại chứng khoán phái sinh, là những công cụ đầu cơ thông minh, an toàn, kích hoạt giá trị giao dịch rất mạnh mẽ, TTCK thế giới đã giao dịch hàng trăm năm, TTCK Việt Nam vẫn chưa có. Thực tế trên các TTCK thế giới cho thấy, khi mà nền kinh tế có vấn đề, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu bị chững lại, thì TTCK vẫn giao dịch sôi động từ các loại chứng khoán phái sinh, CTCK vẫn có thu nhập.

Tiếp đến, các loại chứng khoán phái sinh, như hợp đồng về quyền lựa chọn, hợp đồng tương lai... là những công cụ tốt cho giới đầu tư và kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp. Giao dịch chứng khoán phái sinh có giá trị kích hoạt giao dịch cổ phiếu. Lịch sử phát triển của TTCK thế giới cho thấy, chưa có thị trường nào mà giao dịch chứng khoán phái sinh làm cản trở giao dịch cổ phiếu. TTCK Mỹ trong 2 năm 2008 - 2009 bị suy giảm nghiêm trọng do khủng hoảng tài chính, có một giai đoạn họ cấm giao dịch bán khống, nhưng không cấm giao dịch chứng khoán phái sinh. Hiểu thấu đáo bản chất của các công cụ phái sinh sẽ thấy được vị trí quan trọng của nó trên TTCK. Rất tiếc cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh “chợ chiều” hiện nay, khi những công cụ kích hoạt tính thanh khoản thiếu vắng hoặc chưa đủ quy chuẩn pháp lý để thực hiện.

Thứ ba, các yếu tố kinh tế vĩ mô, như là tỷ giá, lãi suất, lạm phát, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán đang bất lợi cho đầu tư chứng khoán. Lạm phát và tỷ giá không ổn định, biến động theo hướng giảm giá trị của đồng Việt Nam so với các ngoại tệ mạnh, thì rất khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lãi suất ngân hàng cao hơn lợi nhuận bình quân của nền kinh tế luôn là điểm bất lợi cho đầu tư chứng khoán. Với lãi suất ngân hàng hiện nay, người đầu tư sẽ thoái vốn ở TTCK để gửi ngân hàng, vì thu nhập cao hơn, an toàn và đơn giản hơn.

Thứ tư, thuế thu nhập cá nhân không đánh vào tiền gửi tiết kiệm, mà đánh vào đầu tư chứng khoán là một chuyện ngược đời (!), nhất là trong tình hình tài chính DN đang rất yếu kém hiện nay. Người dân có 100 triệu đồng gửi ngân hàng, ngân hàng dùng số tiền đó cho vay, nền kinh tế sẽ nhận được 90 triệu đồng vốn kinh doanh ngắn hạn (trừ 10% dự trữ bắt buộc). Số vốn đó hình thành vốn nợ của đơn vị vay. Ngược lại, nếu người đó đầu tư cổ phiếu, nền kinh tế sẽ nhận được đầy đủ 100 triệu đồng và số vốn đó hình thành vốn cổ phần (vốn chủ), gọi là vốn tự có.

Bốn điểm "ngược đời" của TTCK Việt Nam ảnh 1

Nên tách CTCK ra làm 2 loại: môi giới thì không tự doanh và ngược lại

Cơ cấu tài chính DN Việt Nam nói chung còn rất yếu, vốn nợ chiếm trên 70%, vốn chủ không quá 30%. Để lành mạnh tài chính DN, phải lật ngược con số đó, vốn chủ/vốn nợ xấp xỉ 70/30. Làm được như vậy, nền kinh tế sẽ có sự thay đổi về chất, từ đó giảm được lãi suất ngân hàng (cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay), DN có vốn tích lũy đầu tư phát triển. Vì vậy, nên bỏ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư cổ phiếu. Bỏ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư cổ phiếu lúc này còn là một động lực góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN đang giậm chân tại chỗ.

 

3 nhóm giải pháp

Giải pháp cho TTCK Việt Nam trước mắt và cả lâu dài, theo tôi, cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp về chính sách, về quản lý và về kỹ thuật nghiệp vụ.

Trước hết, Nhà nước cần có những chính sách nhằm đưa người đầu tư quay lại với thị trường: bỏ thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán; giảm thuế thu nhập DN cho các CTCK, qua đó các công ty này giảm phí giao dịch cho người đầu tư (có thể phí giao dịch chỉ thu ở lệnh bán); từng bước giảm lãi suất ngân hàng; ngân hàng nới lỏng mức dư nợ đầu tư chứng khoán.

Hai là, để tránh xung khắc quyền lợi của người đầu tư với CTCK và để ngăn chặn CTCK sử dụng phi pháp vốn của người đầu tư, nên tách CTCK ra làm 2 loại công ty: công ty môi giới chứng khoán (không có nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành) và công ty kinh doanh chứng khoán (không có nghiệp vụ môi giới). Công ty môi giới chứng khoán phải thanh lọc đội ngũ môi giới, nâng cao kiến thức, năng lực tư vấn và đạo đức nghề nghiệp, để họ trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người đầu tư, mỗi người đầu tư đều có người môi giới tư vấn thực thụ. Tài khoản tiền vốn của người đầu tư phải được mở tại một ngân hàng thương mại do khách hàng lựa chọn, đứng tên người đầu tư. Giám sát chặt chẽ tài khoản chứng khoán của người đầu tư tại CTCK.

Ba là, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy chế quản trị công ty, quy chế thông tin và giao dịch trên thị trường. Chú trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi cổ đông, mọi người đầu tư. Người đầu tư có đủ thông tin cần thiết liên quan đến giá chứng khoán và tình hình thị trường một cách kịp thời, bình đẳng. CTCK phải minh bạch, công khai tài chính, công khai lý lịch trích ngang đội ngũ môi giới và người lãnh đạo. Ngăn chặn tối đa và xử lý nghiêm giao dịch nội gián, giao dịch không công bằng và những hành vi xử sự sai điều lệ, quy chế quản trị công ty của người quản trị, điều hành tại các công ty đại chúng.

Bốn là, ban hành thể lệ, quy chế và triển khai giao dịch chứng khoán phái sinh. Thời kỳ đầu, cho phép giao dịch hợp đồng tương lai về các loại cổ phiếu thuộc nhóm thanh khoản cao; cho phép giao dịch quyền lựa chọn về các loại cổ phiếu đó và hai chỉ số VN-Index, HNX-Index. Sau đó, tùy thuộc kỹ năng giao dịch của thị trường và năng lực quản lý của các Sở giao dịch, có thể bổ sung các loại giao dịch hợp đồng kỳ hạn và quyền lưa chọn về ngoại tệ, vàng và một số loại hàng hóa giao dịch trên các thị trường hàng hóa kỳ hạn của thế giới (cà phê, dầu mỏ...). Tất nhiên, để giao dịch các công cụ phái sinh an toàn và hiệu quả, phải có quy chế chính xác, cụ thể và phải phổ cập kiến thức cho các CTCK và người đầu tư.

Năm là, cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn về hệ thống thị trường tài chính. Các định chế tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các tổ chức đầu tư tài chính, mỗi loại định chế có tính độc lập về kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng có mối quan hệ hữu cơ, là tiền đề, tác động, thúc đẩy lẫn nhau. Do đó, cần có một cơ quan quản lý nhà nước bao trùm lên tất cả, để có các chính sách tài chính thống nhất. Năm 2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị 03 nhằm giảm và khống chế hạn mức tín dụng đầu tư chứng khoán là không đứng trên lợi ích của hệ thống tài chính. Chỉ thị 03 đã gây tâm lý tiêu cực cho TTCK, trong khi cho vay chứng khoán theo thể lệ tín dụng cầm cố, thế chấp là rất an toàn, vì chứng khoán niêm yết có khả năng thanh khoản cao. Mặt khác, khi ngân hàng thương mại cho vay đầu tư chứng khoán, tức là ngân hàng đã mặc nhiên chuyển được một phần vốn ngắn hạn của nền kinh tế sang vốn dài hạn đầu tư phát triển.

Bùi Nguyên Hoàn
Bùi Nguyên Hoàn

Tin cùng chuyên mục