"Phản ứng nhanh" nếu lãi suất dài hạn tăng nhanh
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm 19/3 đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007, chấm dứt chính sách lãi suất âm duy nhất trên thế giới. Động thái được đưa ra sau khi thị trường lao động Nhật Bản ghi nhận những tín hiệu ban đầu về mức tăng lương mạnh mẽ trong năm tài chính 2024.
Tuy nhiên, cơ quan tiền tệ Nhật Bản cho biết họ sẽ không tăng lãi suất mạnh mẽ, đồng thời "dự đoán rằng các điều kiện tài chính phù hợp sẽ được duy trì trong thời điểm hiện tại" do sự tăng trưởng mong manh của nền kinh tế.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã tăng lãi suất ngắn hạn từ -0,1% lên ngưỡng 0 - 0,1%, theo tuyên bố của cơ quan này vào cuối cuộc họp chính sách tháng 3 kết thúc vào ngày 19/3. Trước đó, Nhật Bản áp dụng chính sách lãi suất âm kể từ năm 2016.
Ngoài tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng bãi bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất triệt để đối với trái phiếu chính phủ - chính sách mà cơ quan tiền tệ nước này đã dùng để nhắm đến mục tiêu lãi suất dài hạn hơn bằng cách mua và bán trái phiếu chính phủ khi cần thiết.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết họ sẽ tiếp tục mua vào trái phiếu chính phủ có giá trị “gần như tương đương” như trước đây. Hiện tại cơ quan này mua vào khoảng 6 nghìn tỷ yên mỗi tháng.
Cơ quan tiền tệ Nhật Bản sẽ áp dụng cơ chế "phản ứng nhanh" dưới hình thức tăng cường mua vào trái phiếu chính phủ (JGB) và mua JGB theo lãi suất cố định, cùng với những biện pháp khác, nếu lãi suất dài hạn tăng nhanh.
Thực hiện chính sách thu hẹp quy mô mua tài sản triệt để và nới lỏng định lượng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ ngừng mua chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật Bản (J-REITS).
Cơ quan tiền tệ Nhật Bản cũng cam kết sẽ giảm dần việc mua thương phiếu và trái phiếu doanh nghiệp và đặt mục tiêu chấm dứt hoạt động này trong khoảng một năm.
Những quyết định trên đánh dấu sự thay đổi lịch sử và cho thấy sự rút lui mạnh mẽ nhất của một trong những chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất trên thế giới, nhằm mục đích đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi vòng xoáy giảm phát.
Tuần trước, các thị trường tài chính đã tái định vị sau khi các cuộc đàm phán tiền lương sơ bộ vào mùa xuân (còn gọi là "shunto") giữa tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động đạt kết quả tốt hơn mong đợi.
Tổ chức công đoàn lớn nhất Nhật Bản - Rengo - cho biết, bảy triệu đoàn viên công đoàn sẽ nhận được mức tăng lương khoảng 5,28% trong năm tài chính 2024, mức tăng lương cao nhất trong 33 năm qua.
Sau động thái ngày 19/3 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đồng yên trong cùng ngày đã suy yếu so với đồng bạc xanh, về mức 149,92 JPY đổi 1 USD, trong khi chỉ số chứng khoán Nikkei giằng co giữa được và mất. Mặt khác, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm và 30 năm cùng sụt giảm.
Lạm phát đã trong tầm tay?
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hầu như không thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình mặc dù "lạm phát lõi" - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - đã vượt mục tiêu 2% trong hơn một năm qua, do các nhà hoạch định chính sách nước này nhận định lạm phát chủ yếu là do nhập khẩu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh rằng kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương mùa "shunto" năm nay sẽ là chìa khóa để tăng giá bền vững. Cơ quan này dự đoán mức lương cao hơn sẽ dẫn đến một vòng xoáy với nhu cầu trong nước thúc đẩy lạm phát.
"Giá dịch vụ tiếp tục tăng vừa phải, một phần là do mức tăng lương vừa phải cho đến nay", Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhận định. Cơ quan này cho rằng: "Khi những dữ liệu và thông tin gần đây dần cho thấy chu kỳ tích cực giữa tiền lương và giá cả đã trở nên vững chắc hơn, Ngân hàng Trung ương cho rằng mục tiêu ổn định giá cả sẽ đạt được một cách bền vững và ổn định vào cuối giai đoạn dự báo trong báo cáo triển vọng tháng 1/2024".