Dữ liệu của EPFR Global cho thấy, tiền mặt đã tăng lên 30,3 tỷ USD trong khi các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu bị rút ra 7,8 tỷ USD trong tuần từ ngày 15/9 đến ngày 21/9. Dữ liệu cũng cho thấy, các quỹ trái phiếu bị rút ròng 6,9 tỷ USD, trong khi 400 triệu USD rút khỏi vàng trong cùng thời kỳ.
Một cách rõ ràng nhất, tâm lý nhà đầu tư đang ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với các khoản lỗ từ trái phiếu chính phủ lên mức cao nhất kể từ năm 1920. Các nhà đầu tư đang nhận thấy tiền mặt, hàng hóa và sự biến động tiếp tục vượt trội so với trái phiếu và cổ phiếu, với chỉ báo tăng và giảm của Bank of America đang quay trở lại mức giảm giá tối đa.
Lo ngại về lạm phát và tăng lãi suất đã trở nên sâu sắc hơn trong tuần này do các dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả khi các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Chiến lược gia Michael Hartnett kỳ vọng rằng, chứng khoán Mỹ sẽ giảm hơn nữa khi việc định giá chịu áp lực từ các điều kiện tài chính thắt chặt, rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng toàn cầu mờ nhạt.
Diễn biến chỉ số S&P 500 (Nguồn: Bloomberg). |
Dự báo của chiến lược gia Michael Hartnett về lợi nhuận doanh nghiệp cho thấy, chỉ số S&P 500 sẽ giao dịch trong khoảng từ 3.300 đến 3.500 điểm - thấp hơn ít nhất 7% so với mức hiện tại.
Các chiến lược gia Goldman Sachs cũng đã cắt giảm mục tiêu cuối năm nay đối với chỉ số S&P 500 và cảnh báo rằng, sự thay đổi mạnh mẽ về triển vọng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến việc định giá.