BoE tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (22/9), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong nỗ lực để kiểm soát lạm phát tăng vọt.
BoE tiếp tục tăng lãi suất 50 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát

BoE đã tăng lãi suất cho vay cơ bản từ 1,75% lên 2,25% trong một nỗ lực kiểm soát giá tiêu dùng tăng cao. Lạm phát ở Anh đang gần chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ ở mức 9,9% - gần gấp 5 lần so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Ngân hàng trung ương Anh cũng đang cố gắng hỗ trợ đồng bảng Anh vốn đã trượt xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng đô la do lo ngại về nền kinh tế Anh và những thay đổi về thuế.

Quyết định của BoE được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp vào thứ Tư (21/9), đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp với quy mô này. Mức tăng lãi suất lớn hơn ba lần so với mức tăng điển hình của Fed và kéo dài một chuỗi tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm mục đích hạ nhiệt nhu cầu trong toàn nền kinh tế và kéo lạm phát xuống thấp hơn.

Lạm phát ở Anh vào tháng 8 ở mức 9,9% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. BoE hiện kỳ ​​vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh dưới 11% vào tháng 10, giảm so với mức dự báo trước đó là 13%.

Mức tăng lãi suất nhỏ hơn dự kiến ​​diễn ra khi BoE cho biết họ tin rằng nền kinh tế Anh đã suy thoái với dự báo GDP sẽ giảm 0,1% trong quý III sau khi đã giảm 0,1% trong quý II.

Nhiều nhà phân tích, cùng với hiệp hội kinh doanh Phòng Thương mại Anh trước đây cho biết, họ dự kiến ​​Anh sẽ bước vào một cuộc suy thoái trước cuối năm nay. Ngoài những cú sốc về giá năng lượng, quốc gia này còn phải đối mặt với những tắc nghẽn thương mại do Covid-19 và Brexit, tâm lý người tiêu dùng suy giảm và doanh số bán lẻ giảm.

Đây cũng là lần tăng lãi suất thứ 7 liên tiếp và đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Quyết định của BoE được đưa ra trong bối cảnh đồng bảng Anh ngày càng suy yếu, dự báo suy thoái, khủng hoảng năng lượng châu Âu và chương trình chính sách kinh tế mới do Thủ tướng mới Liz Truss đưa ra.

Sự mất giá của đồng bảng Anh là do sự kết hợp của đồng đô la mạnh lên khi các nhà giao dịch đổ xô vào khoản đầu tư được xem là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động và khi Fed tăng lãi suất và những dự báo tồi tệ cho nền kinh tế Anh.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục