Theo đó, Bộ đề xuất thời hạn thuê nhà ở cũ là 5 năm, kể từ ngày ký kết hợp đồng thuê nhà ở.
Khi hết thời hạn thuê mà bên thuê đủ điều kiện thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó thì được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở bằng với thời hạn thuê nhà, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở theo quy định của pháp luật.
Về xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước để làm cơ sở tính giá bán nhà ở, dự thảo Thông tư quy định:
Trường hợp người đang sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhà ở đó trước 19/1/2007, không phân biệt trường hợp người đang sử dụng nhà ở đã ký hợp đồng thuê nhà hay chưa ký hợp đồng thuê nhà, thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong giấy tờ chứng minh bố trí sử dụng nhà ở đó; trường hợp trong giấy tờ chứng minh không ghi thời điểm bố trí sử dụng thì xác định theo thời điểm ban hành giấy tờ đó;
Trường hợp người đang sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhà ở nhưng thực tế đã sử dụng nhà ở đó trước thời điểm ban hành giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng (thông qua một trong các hình thức đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký kê khai nhà ở; nộp tiền thuê nhà; đóng thuế đất hoặc hình thức khác chứng minh đã thực tế sử dụng nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm thực tế sử dụng nhà ở đó;
Trường hợp người đang sử dụng nhà ở không có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng nhưng đã ký hợp đồng thuê nhà với cơ quan có thẩm quyền trước ngày 19/1/2007 và đã truy nộp tiền thuê nhà ở (có giấy tờ chứng minh việc nộp tiền thuê nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở; nếu khi ký hợp đồng thuê nhà mà cơ quan có thẩm quyền không truy thu tiền thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà;
Trường hợp người đang sử dụng nhà ở mà nhà ở đó thuộc diện phải xác lập sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật nhưng thực tế đã sử dụng trước thời điểm Nhà nước xác lập sở hữu và người đang sử dụng có giấy tờ chứng minh việc sử dụng nhà ở này (thông qua một trong các hình thức gồm đăng ký thường trú, tạm trú; đăng ký kê khai nhà ở; nộp tiền thuê nhà hoặc hình thức khác chứng minh đã thực tế sử dụng nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm thực tế sử dụng nhà ở đó;
Trường hợp người đang sử dụng nhà ở không có giấy tờ chứng minh việc bố trí sử dụng và không có hợp đồng thuê nhà nhưng đã nộp tiền thuê nhà cho Nhà nước (có giấy tờ chứng minh việc nộp tiền thuê nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở; nếu việc nộp tiền thuê nhà không liên tục thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở lần đầu.
Còn trong trường hợp người đang sử dụng nhà ở nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà (không phân biệt chuyển nhượng một lần hay nhiều lần) nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép chuyển nhượng thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm người được bố trí sử dụng nhà ở đầu tiên.
Trong cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 4/4 vừa qua, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, quỹ nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, cho thuê là 75.000 căn. Quỹ nhà ở của cơ quan Trung ương và Thành phố tự quản, trước đây phân phối cho cán bộ, công nhân viên nay chuyển giao về Sở Xây dựng, Công ty để tiếp tục quản lý là 92.975 căn.
Hiện chưa có số liệu điều tra chính thức về tổng số lượng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 23/2006/NQ-CP ngày 7/9/2006, trong đó yêu cầu các cơ quan tự quản của Trung ương phải bàn giao cho cơ quan quản lý nhà, sau ngày 1/1/2005 quỹ nhà diện tự quản sẽ thuộc quyền quản lý của các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có nhiều cơ quan đang thực hiện sắp xếp cơ sở nhà đất theo Quyết định số 2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc khi cổ phần hoá; nhiều cơ quan vẫn có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị tiếp nhận; nhiều cơ quan không hợp tác, thậm chí có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng không được tiếp nhận nhà, cấp Giấy chứng nhận (như công ty cổ phần CMC tại quận Hoàng Mai).
Từ năm 1995 cho đến tháng 2/2006, đã bán và cấp giấy chứng nhận được 154.160 căn, với số tiền doanh thu là 5.103,5 tỷ đồng. Sau khi trừ các chế độ miễn giảm người có công với cách mạng, số tiền thực nộp ngân sách là 3.607,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 92%.
Kể từ khi có Chỉ thị số 09 của Thành uỷ và số 11 của UBND Thành phố, tính đến tháng 2/2017, đã bán được 148 căn, với số tiền là 25 tỷ đồng.
Theo báo cáo, quỹ nhà sở hữu nhà nước còn lại hiện Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý là 13.815 căn, trong đó 2.913 căn đã có đơn và hồ sơ mua nhà và nhà ở đó thuộc diện được bán; có 10.902 căn thuộc diện không đủ điều kiện để thực hiện bán.
Đối với số nhà không đủ điều kiện để thực hiện bán, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 1.592 căn không ký được Hợp đồng thuê nhà do người dân không hợp tác với Công ty vì họ biết ký hợp đồng là phải trả tiền thuê nhà, phải truy thu tiền thuê nhà còn nợ.
Ngoài ra, còn có 156 căn vướng mắc do diện tích nhỏ, hộ khẩu ngoại tỉnh không đủ điều kiện ký hợp đồng; 713 căn vướng do có tranh chấp, khiếu kiện, đòi sở hữu.
Ông Dũng cũng cho biết, hiện có tới 3.576 căn nhà không đủ điều kiện bán vì vướng do nhà cấp 4 người dân đã xây dựng lại hoặc nhà đã được các cơ quan thanh lý, hoá giá trước đây; nhà phân móng nhà, phân đất…