Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải việc chưa giải ngân được 16.000 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ

Trong 6 tháng đầu năm, huy động vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) tăng mạnh, trong khi giải ngân ỳ ạch. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng vẫn khẳng định, sử dụng vốn TPCP rất hiệu quả, thậm chí còn hiệu quả hơn những năm trước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng

Huy động vốn TPCP sắp cán đích, trong khi giải ngân nguồn vốn này đạt rất thấp. Như vậy, việc sử dụng vốn vay kém hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

Ít khi phát hành TPCP diễn biến thuận lợi như 6 tháng đầu năm nay, mặc dù lãi suất trên thị trường tiền tệ có xu hướng tăng. Kết quả là, trong 6 tháng đầu năm đã huy động được 187.700 tỷ đồng vốn TPCP, đạt 83% kế hoạch. Nhờ vậy, sẽ giảm áp lực huy động TPCP trong 6 tháng cuối năm.

Việc đầu tư vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP trong 6 tháng đầu năm nay đúng là hơi chậm. Trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân nguồn vốn TPCP đạt rất thấp, chỉ bằng 23% kế hoạch .

Chính vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, việc giải ngân chậm nguồn vốn đã gây lãng phí nguồn lực nhà nước. Bộ trưởng bình luận gì về nhận định này?

Về lý thuyết, huy động vốn nhiều mà sử dụng ít thì đúng là lãng phí nguồn lực vì tiền huy động là tiền đi vay, phải trả lãi. Nhưng trên thực tế, việc huy động và giải ngân nguồn vốn TPCP không phải như vậy.

Cụ thể, trong số 187.700 tỷ đồng vốn TPCP, từ đầu năm đến nay đã giải ngân 82.000 tỷ đồng; giải ngân nguồn vốn năm 2015 chuyển sang 23.000 tỷ đồng; trả nợ số TPCP đã huy động những năm trước đây 66.600 tỷ đồng. Như vậy, số tiền huy động mà chưa giải ngân chỉ còn khoảng 16.000 tỷ đồng, bằng 8,5% tổng số tiền huy động được, chứ không phải còn hơn 100.000 tỷ đồng (tổng số tiền huy động trừ đi số tiền TPCP giải ngân) như nhiều người suy luận.

Tôi cho rằng, số tiền 16.000 tỷ đồng TPCP chưa giải ngân hết là phù hợp.

Thế Bộ trưởng giải thích thế nào khi cho rằng, sử dụng vốn TPCP năm nay còn hiệu quả hơn những năm trước?

Nếu như năm 2010, lãi suất TPCP huy động bình quân là 10,85%/năm thì năm 2011, năm 2012 và 2013 tương ứng là 11,9%/năm, 10,03%/năm và 7,96%/năm. Lãi suất huy động TPCP năm 2014 và 2015 có giảm, nhưng vẫn ở mức 6,81%/năm và 6,34%/năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, lãi suất TPCP huy động bình quân 6,4%/năm, nhưng với kỳ hạn bình quân là 6,8 năm - dài hơn rất nhiều so với trước đây, nên lãi suất thực tế thấp hơn so với trước. Ngân sách nhà nước huy động vốn với lãi suất thấp để trả các khoản nợ đã huy động trước đây (đảo nợ) với lãi suất 10 - 11%/năm thì rõ ràng là hiệu quả.

Hiệu quả thứ hai là, nếu như năm 2011, năm 2012 và năm 2013 thời hạn bình quân của TPCP chỉ là 1,84 năm, 2,03 năm và 2,8 năm. Năm 2014 và 2015, Bộ Tài chính tích cực huy động TPCP với thời hạn dài để cơ cấu lại danh mục TPCP, nhưng thời hạn bình quân của TCPP cũng chỉ có 3,1 năm và 4,44 năm.

Việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn không chỉ phát sinh rủi ro, mà còn làm nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ hàng năm rất lớn. Rất mừng là, 6 tháng vừa qua, thời hạn huy động TPCP đã kéo dài bình quân lên 6,8 năm, khối lượng TPCP có thời hạn 10 - 15 năm ngày một nhiều, nên đã kéo dài được thời hạn bình quân của TPCP lên 5,04 năm.

Mặc dù vậy, thời hạn TPCP của Việt Nam vẫn rất ngắn so với các nước trên thế giới. Thưa Bộ trưởng, trong thời gian tới, Bộ Tài chính có giải pháp gì để kéo dài thời gian huy động?

Nghị quyết 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 cho phép phát hành TPCP có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với hạn mức tối đa là 30% tổng khối lượng TPCP phát hành. Từ đầu năm đến nay, loại TPCP kỳ hạn ngắn này được phát hành rất ít, nhưng tổng khối lượng TPCP phát hành đã đạt 83% kế hoạch, nên từ nay đến cuối năm, loại TPCP này cũng sẽ hạn chế phát hành.

Đó là trong ngắn hạn, còn trong dài hạn thì sao, thưa Bộ trưởng?

Chúng tôi đang bàn với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để trái phiếu hóa toàn bộ số tiền ngân sách nhà nước vay của Bảo hiểm Xã hội. Theo tính toán thì từ năm 2023 trở đi, Bảo hiểm Xã hội mới phải bù nguồn (số thu bảo hiểm xã hội thấp hơn số chi) tức là khoản ngân sách nhà nước vay từ Bảo hiểm Xã hội còn thời hạn ít nhất 7 năm nữa, khi toàn bộ số tiền này được trái phiếu hóa thì danh mục TPCP còn kỳ hạn sẽ kéo dài ra 7 - 10 năm.

Hiện tại, các ngân hàng thương mại nắm giữ 80% tổng khối lượng TPCP đã phát hành, nên khi trái phiếu hóa khoản vay từ Bảo hiểm Xã hội cộng với việc ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích các công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tham gia thị trường TPCP, thì các ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ khoảng 50% tổng số TPCP, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu và thị trường tiền tệ phát triển mạnh hơn, lành mạnh hơn.

Có lẽ chính vì vậy nên dù được Quốc hội “bật đèn xanh” cho phép huy động 3 tỷ USD vốn TPCP trên thị trường vốn quốc tế, nhưng đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa thực hiện?

Từ đầu năm đến nay, thị trường TPCP trong nước khá tốt, nên mặc dù đã được Quốc hội cho phép phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, nhưng chúng tôi vẫn chưa thực hiện.

Việc chưa vội phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế cũng nằm trong chiến lược cơ cấu lại danh mục TPCP là hạn chế vay nước ngoài, đẩy mạnh vay trong nước.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục