Bộ trưởng Tài chính: Cần tập trung khơi thông những nguồn lực lớn đang bị "kìm kẹp"

(ĐTCK) Nhấn mạnh tình hình kinh tế đang khó khăn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị tập trung khơi thông những nguồn lực lớn đang bị "kìm kẹp" như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, khơi thông nguồn vốn tín dụng, tăng kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

52 địa phương có mức thu ngân sách 9 tháng đầu năm giảm

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 sáng 30/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách tháng 9/2023 chỉ đạt 89.600 tỷ đồng; chỉ bằng 60% mức thu bình quân của 8 tháng đầu năm, cho thấy năng lực của nền kinh tế đang rất khó khăn.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, ngân sách thu được 1.223.800 tỷ đồng; đạt 75,5% dự toán; giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

"Trong đó thu nội địa giảm 3,2%; thu từ xuất nhập khẩu giảm 36,3%. Đáng lưu ý, cho đến nay có 52 địa phương có mức thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm ngoái", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Lãnh đạo Bộ Tài chính, chính sách miễn giảm thuế phí để kích cầu sản xuất kinh doanh thời gian qua khiến ngân sách phải chi ra 152.500 tỷ đồng; trong đó miễn 46.000 tỷ đồng; gia hạn 102.900 tỷ đồng.

Trong số các nguồn thu từ hàng hoá dịch vụ, bên cạnh một số mặt hàng tăng thu như rau quả tăng 73,2% ; xuất khẩu ô tô tăng 12%, xuất khẩu gạo tăng 36%... thì vẫn còn nhiều mặt hàng bị giảm thu, trong đó có những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của nền kinh tế như điện thoại và linh kiện giảm 13,7%; dệt may giảm 13,5%... khiến cho xuất khẩu giảm 8,9% và nhập khẩu giảm 11% trong 9 tháng đầu năm (xuất siêu tăng 2, 29%).

Về tình hình doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính nhận định "cũng không được sáng sủa lắm". Mặc dù số thành lập mới có tăng nhưng số doanh nghiệp đang ổn định thì lại giảm.

Chín tháng đầu năm 2023, cả nước có 116.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; nhưng có tới 75.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 21,2%.

Riêng tháng 9/2023 có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 20,4% so với tháng trước và tăng 40,5% so với tháng 9/2022.

Tập trung khơi thông dự án bất động sản, dự án đầu tư công...

Nêu giải pháp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị giải pháp đầu tiên là phải tìm mọi cách tăng tổng cầu của nền kinh tế vì đây là biện pháp quan trọng nhất.

"Muốn vậy, chúng ta phải khơi thông được những nguồn lực đang bị "kìm kẹp", những nguồn lực có tiềm năng cần phải phát huy. Ví dụ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 51% chỉ tiêu Thủ tướng giao, như vậy là còn tới một nửa nguồn lực công chưa được giải phóng, cần tìm nguyên nhân để giải quyết sớm", ông Phớc nêu quan điểm.

"Ví dụ như nguồn lực từ tín dụng ngân hàng đang bị ứ đọng, mặc dù lãi suất giảm nhưng tiền ngân hàng không cho vay được; lao động thì trẻ, có tiềm năng nhưng không có việc làm vì doanh nghiệp đang khó khăn", Tư lệnh ngành Tài chính nói thêm.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 sáng 30/9 được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của một số bộ ngành và 63 địa phương.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 sáng 30/9 được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của một số bộ ngành và 63 địa phương.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt giải quyết, nhất là trong bối cảnh sắp tới tình hình dự báo là còn khó khăn khi giá dầu tiếp tục tăng khiến giá điện có thể phải tăng theo.

"Giá dầu đã tăng lên 95 USD/thùng, 33 đầu mối xăng dầu rất khó khăn, một số đại lý xăng dầu khác vay tiền về sử dụng sai mục đích, hiện nay nhóm này đang nợ 1.000 tỷ đồng tiền thuế", ông Phớc nói và cho biết, những đầu mối này không làm ổn định được thị trường xăng dầu, trong khi đó chúng ta chưa đa dạng hoá được nguồn cung xăng dầu, chỉ nhập khẩu từ Singapore, sắp tới giá dầu tăng thêm chúng ta sẽ khó khăn thậm chí đối mặt với rủi ro khủng hoảng.

Trong khi đó, dư địa để giảm giá nhờ giảm thuế không còn, thuế bảo vệ môi trường đánh trên xăng dầu chỉ còn 2.000 đồng/lít, ông Phớc lưu ý.

Về điện, theo Bộ trưởng sắp tới cũng rất khó khăn vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) càng ngày càng lỗ.

Đi vào giải pháp cụ thể, Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị:

Thứ nhất, phải tập trung tìm nguyên nhân để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. "Đầu tư công phải "bung ra" thì doanh nghiệp mới sống được và các lực lượng liên quan mới phát triển được.

Thứ hai, phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh;

Thứ ba, phải tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nước ngoài và nước ngoài;

Thứ tư, phải tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư, nhất là những dự án bất động sản và dự án đầu tư công.

Cuối cùng, Bộ trưởng Tài chính chia sẻ, trong chuyến công tác đến Mỹ vừa kết thúc, ông đã tiếp xúc với tổ chức xếp hạng Moody. Tại đây, Lãnh đạo Moody cho rằng, họ đang trông đợi Việt Nam sẽ có những giải pháp thế nào để tháo gỡ khó khăn về bất động sản và đầu tư công để nâng xếp hạng thị trường cho Việt Nam, từ đó giúp các nhà đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dễ dàng hơn.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục