Có lộ trình giải thể, sáp nhập trường đại học kém hiệu quả
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) về các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, không thu hút được học sinh vào học, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.
Đổi mới nhưng không nóng vội
Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi), mất bao nhiêu thời gian để qua giai đoạn quá độ của ngành giáo dục và hiện đã đi tới đâu trong đoạn đường quá độ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đổi mới giáo dục đào tạo không thể nóng vội được, do liên quan đến con người và đây là lĩnh vực rất nhạy cảm.
Quá độ là cần thiết, chứ không thể thấy vướng là làm ngay, Bộ xác định là phải có lộ trình. Đơn cử như vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.
“Chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên”, ông Nhạ nói. Nói về kết quả và quãng đường đi của lộ trình quá độ, Bộ trưởng Nhạ thông tin, giáo dục Việt Nam đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận.
Theo đó, trẻ 5 tuổi vào mầm non ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín nhưNgân hàng Thế giới đánh giá cao.
“Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”, Bộ trưởng Giáo dục tự tin nói.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học là chuẩn hóa nhà trường, nhưng phải vận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào giáo dục, phải học và hành để nâng cao chất lượng.
Bệnh thành tích và chất lượng đào tạo các cơ sở liên kết
Nói về bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ trưởng cho biết, bệnh thành tích không phải bây giờ mới có mà có từ lâu rồi, hiện nay vẫn còn phổ biến, tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến thói quen, văn hóa. Ngoài ra, có cả hiện tượng học tủ, học lệch, đặc biệt ở trường chuyên.
Dù có dấu hiệu giảm nhưng tới đây chúng tôi sẽ làm kiên quyết. "Bộ Giáo dục cấm hiện tượng này. Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục giám sát.
Song cũng mong nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ để các cháu học sinh được học toàn diện, chứ không phải học để thi. Tinh thần của Bộ là nói không với bệnh thành tích", ông Nhạ nói.
Để hạn chế bệnh thành tích, Bộ đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhiều các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường; đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế khuyến khích người dạy, nhằm bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đích thực chất lượng giáo dục và năng lực thầy cô; bên cạnh đó, tiến hành đổi mới tổ chức công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực;...
Trước câu hỏi cùa đại biểu Bùi Thu Hằng về tình trạng liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài nở rộ trong thời gian qua chưa đi kèm với chất lượng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chủ trương liên kết đào tạo nước ngoài là đúng, nhưng kiểm tra giám sát một số trường thì không đảm bảo các điều kiện đầu vào nên kết quả đạt được không tương xứng.
Nếu xét trên quy mô toàn dân thì không phải lớn, nhưng quan trọng là chất lượng của một số trường đại học chưa đạt yêu cầu, nội dung đào tạo chưa bám sát thực tiễn nên sinh viên ra trường không có việc làm Chúng tôi sẽ giám sát mạnh hơn nữa, chỉ đạo các trường đổi mới cách thức đào tạo vì đây là sự lãng phí rất lớn.
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, về vấn đề này, Bộ giáo dục phải kiểm soát ngay từ đầu, tránh lãng phí tiền bạc của người học.