Tại phiên thảo luận ngày 11/5, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, dự án hồ bản Mồng được phê duyệt năm 2009 với tổng diện tích đất là 5.249 ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 94 ha, đất rừng sản xuất là 671 ha.
Tại thời điểm năm 2009 được phê duyệt thì dự án không thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia. Nhưng do nhiều lý do liên quan đến kinh phí nên năm 2017 dự án mới khởi động lại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh dự án và yêu cầu Nghệ An, Thanh Hóa rà soát lại toàn bộ diện tích. Đến năm 2019, 2 tỉnh này mới rà soát xong và xác định dự án có 312 ha rừng phòng hộ phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Đối chiếu theo Luật Đầu tư công và Luật Lâm nghiệp thì dự án này thuộc thẩm quyền quyết định về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội quyết đinh.
Đại biểu thắc mắc vì sao có việc tăng diện tích đất rừng phòng hộ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng cho rằng, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư hay Quốc hội căn cứ vào Luật đầu tư công, Chính phủ báo cáo để thông qua chuyển đổi đất rừng. Có một nghịch lý là mỗi lần điều chỉnh dự án lại tăng diện tích rừng đầu nguồn lên.
Thứ hai, việc thu hồi, đền bù, giải tỏa, tái định cư bản Mồng hiện nay chưa triển khai mà theo như báo cáo của Chính phủ thì dự án chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) kiến nghị, 2 dự án hồ chứa nước bản Mồng và sông Than thuộc diện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất phòng hộ. Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác là không phù hợp với quy định về đầu tư công lâm nghiệp và không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Giải trình thêm về dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết có 2 nguyên nhân dẫn đến lý do diện tích rừng phòng hộ tăng.
Theo đó, năm 2009 dự án được phê duyệt gồm 2 hợp phần. Hợp phần xây dựng có dự án đập do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thực hiện; việc bồi thường do UBND Nghệ An chủ trì thẩm định thực hiện. Năm 2011 dự án bị tạm dừng do không có kinh phí. Năm 2017, sau khi dự án được bố trí vốn triển khai, Bộ đã yêu cầu Nghệ An, Thanh Hóa tổng rà soát diện tích đất sử dụng, đặc biệt là đất rừng, đất rừng phòng hộ nâng lên.
Tuy nhiên, tại thời điểm dự án được phê duyệt, UBND tỉnh Nghệ An cập nhật thiếu số liệu diện tích rừng phòng hộ Thanh Hóa.
Mặt khác, sau 10 năm chính sách pháp luật có nhiều thay đổi về cách tính diện tích rừng. Cụ thể, theo luật cũ tiêu chí diện tích có rừng liền khoảnh là từ 0,5 ha trở lên, trong khi luật mới là 0,7 ha.
Còn về dự án tái định cư, hiện nay có 118 hộ dân. Đoàn giám sát quốc hội đi kiểm tra chủ yếu là đồng bào dân tộc. Nguyên tắc tái định cư là đồng bào phải có điều kiện tốt hơn về nơi ở, sinh kế, đất sản xuất.