Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Không có bữa trưa nào miễn phí"

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói rằng, nếu Việt Nam có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì không phụ thuộc vào một số quỹ của nước ngoài muốn tài trợ nhưng phải làm theo ý của họ.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói rằng, nếu Việt Nam có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì không phụ thuộc vào một số quỹ của nước ngoài muốn tài trợ nhưng phải làm theo ý của họ, vì "không có bữa trưa nào miễn phí".

Thảo luận dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 29/3, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn khi mà 16 năm qua chưa lập được, nhưng Ban soạn thảo vẫn tiếp tục đề nghị tiếp tục quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Giải trình, Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận nếu chỉ nhìn vào hiện tại thì có phần lỗi của Bộ trong tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ khó khăn về việc lập Quỹ.

Nhưng, giữ quy định tại dự thảo, Bộ trưởng khẳng định là cơ quan soạn thảo không phải mong muốn có đặc quyền đặc lợi gì mà chỉ để đầu tư cho điện ảnh. Bộ cũng đã nhìn thấy một số khoản thu như nhượng quyền thương hiệu phim, các sản phẩm đi theo phát hành phim...

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, nếu có Quỹ của mình thì sẽ không phụ thuộc vào một số quỹ nước ngoài muốn tài trợ nhưng phải đi theo họ.

"Chúng ta thừa biết không có bữa trưa miễn phí nào của các quốc gia phương tây khi cho Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến phương án cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, cơ quan thẩm tra và nhiều đại biểu cho rằng chỉ cần hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hùng vẫn kiên trì quan điểm cần cung cấp kịch bản đầy đủ.

"Chúng tôi nghiên cứu nền điện ảnh của Trung Quốc, Thái Lan, họ điều bắt buộc phải có kịch bản đầy đủ, tất nhiên chúng ta không rập khuôn. Nhưng chúng tôi đang băn khoăn, vì trong thực tiễn diễn ra chúng ta thấy gần đây nhất là một bộ phim do người Mỹ sản xuất, đoạn phim quay ở Việt Nam là hình ảnh của một người tham gia cuộc chiến trong thời điểm đó, kịch bản quay ở Việt Nam đều đúng, không sai. Nhưng khi người Việt sang Mỹ thì bối cảnh quay ở Mỹ, công nghệ khác và người ta bảo cuộc chiến tranh ở Việt Nam là phi nghĩa. Vậy Việt Nam không cho phép phát hành bộ phim này ở Việt nam, nhưng lưu hành bộ phim đó ở quốc gia khác được", Bộ trưởng trình bày.

Ông nói tiếp, “nếu bây giờ chúng ta không nắm được kịch bản tổng thể, mà chấp nhận phân khúc ở Việt Nam thì sau này ảnh hưởng đến an ninh chính trị, quốc phòng an ninh thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đây là một thực tế”. Chúng tôi sẽ nghiên cứu nhưng rõ ràng nếu phân khúc ở Việt Nam thì “sẵn sàng cho đi và đi được hết” nhưng mà rồi ở các nước khác thì như thế nào?", Bộ trưởng băn khoăn.

Khẳng định đã “cố gắng hết sức”, song Bộ trưởng Hùng phân trần đây là bộ luật khó, năng lực của cơ quan soạn thảo chắc cũng có hạn nên chưa thể đáp ứng hết các ý kiến của đại biểu.

"Tinh thần là chúng tôi cố gắng tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu", Bộ trưởng "hứa".

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc tháng 5/2022).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục