Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế tiếp tục phục hồi khả quan

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế

Tiếp tục phục hồi khả quan

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng.

“Tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến việc tốc độ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp, trong khi quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%.

Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế; khu vực công nghiệp - xây dựng đã có mức tăng trưởng tích cực, quý III tăng 5,19%, sau khi giảm 0,4% trong quý I và chỉ tăng 2,1% trong quý II.

“Các địa phương đầu tàu có xu hướng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng khá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một điểm tích cực khác được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến, đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 9 lần lượt tăng 3,6%, 4,6% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 6,9 tỷ USD).

Cùng với đó, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%). Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (46,7%) và tuyệt đối (cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng).

“Hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhắc đến những chỉ số có sự tăng trưởng tích cực, như khu vực dịch vụ tăng nhanh; khách quốc tế 9 tháng ước đạt gần 8,9 triệu lượt người, vượt mục tiêu cả năm (8 triệu lượt khách); giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% so với cùng kỳ…

Cùng với đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng đạt trên 165.200 doanh nghiệp, tăng 1,2%...

Khó khăn còn lớn, tạo áp lực lên điều hành vĩ mô

Chỉ ra những điểm tích cực của nền kinh tế trong tháng 9 và 9 tháng, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn rằng, trước khó khăn chung của thế giới, khu vực, kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý nhất là tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo Bộ trưởng, tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP là 4,24%. Trong khi đó, kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,3%.

“Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng tăng 1,65%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 10,2%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Ông cũng lo lắng khi đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng thấp, quý III tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 2,3%.

Theo Bộ trưởng, quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm. Điều này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh hơn trong trung và dài hạn.

“Sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết, những vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận diện, tập trung chỉ đạo, quyết liệt tháo gỡ, nhưng khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

Một số chỉ số khác cũng đã được Bộ trưởng nhắc đến, như tính chung 9 tháng, xuất khẩu giảm 8,2%, nhập khẩu giảm 13,8%, nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 13,9% so với cùng kỳ, xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực tiếp tục giảm…

Trong bối cảnh ấy, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả. Tiêu dùng phục hồi chậm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ở mức cao. Tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 21/9 chỉ tăng 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến 15/9 vẫn giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước…

“Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, một trong những áp lực là thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra; việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, việc chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; giá xăng dầu, giá sản xuất dịch vụ quý III tiếp tục tăng cao là vấn đề cần lưu ý…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, áp lực điều hành tỷ giá tiếp tục là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh FED có khả năng tiếp tục tăng lãi suất và kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến chỉ số USD trên thế giới (USD Index) tăng cao trong tháng 9.

Tựu trung, Bộ trưởng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì chuyển biến tích cực. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước…

Đồng thời, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện các mục tiêu, chủ trương, chính sách phát triển đất nước cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn; tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội...

“Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục