Tái cơ cấu nền kinh tế: Nhiều chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn để hoàn thành

0:00 / 0:00
0:00
Trong 30 chỉ tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2025, sơ bộ sau gần 2 năm thực hiện, chỉ có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành, cần nỗ lực rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày báo cáo tại phiên họp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày báo cáo tại phiên họp

Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể

Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là một trong những nội dung quan trọng đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế Quốc hội Khóa XV.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội đề ra 7 nhóm mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025 với 27 chỉ tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết 54/NQ-CP, Chính phủ cụ thể hoá thành 30 chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến nay, kết quả sơ bộ sau gần 2 năm thực hiện cho thấy, trong số 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn.

Trong số này, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã nhấn mạnh một số chỉ tiêu cần được chú trọng theo dõi, giám sát, việc thực hiện đang gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2021-2022 đạt thấp, ước lần lượt đạt khoảng 4,58% và 4,75%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình giai đoạn 2016-2020 (6,05%) và thấp hơn mục tiêu đặt ra (mục tiêu đặt ra là 6,5%).

Hay chỉ tiêu về tỷ trọng chi cho khoa học và công nghệ được đặt mục tiêu không dưới 1% GDP, nhưng kết quả thực hiện năm 2021 chỉ đạt 0,42%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra…

Không chỉ là các chỉ tiêu cụ thể này, mà đánh giá chung về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra nhiều điểm hạn chế.

Một trong số đó là cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Tốc độ tăng năng suất, chất lượng còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2021, 2022 lần lượt là 4,58% và 4,75% và năm 2023 ước tăng khoảng 4%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng chậm, năm 2021 là 24,6%, năm 2022 là 24,8%.

Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới.

Một hạn chế khác được nhắc tới là việc phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, thậm chí suy giảm. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại; thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô lớn, quy mô doanh nghiệp còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới…

Trong khi đó, các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường, như lao động, chứng khoán, trái phiếu hoạt động chưa hiệu quả, còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế

Sau 2 năm triển khai, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân khách quan được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là trong giai đoạn 2021-2023, kinh tế thế giới liên tục xuất hiện nhiều diễn biến bất lợi, trong khi nền kinh tế chưa kịp phục hồi hoàn toàn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Điều này làm cho khó khăn, thách thức trở nên trầm trọng hơn, kéo dài thời gian phục hồi, gây khó khăn trong triển khai các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế.

“Trong bối cảnh ấy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, nguồn lực để phục hồi và ứng phó, xử lý tình huống phát sinh, ít có thời gian và nguồn lực tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung lý giải.

Nhưng ở góc độ khác, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng cho biết, cũng có những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, sáng tạo, chú trọng triển khai nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, triển khai kế hoạch còn chậm; chưa bám sát mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của ngành, địa phương để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Chưa kể, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo trong khi tiến độ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm dẫn đến khó khăn, chưa thể thúc đẩy triển khai các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế…

Trong khi đó, mục tiêu của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế là đến năm 2025 “tạo được chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế”.

“Đây là những mục tiêu rất cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Vì lý do đó, hàng loạt biện pháp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, giải pháp trọng tâm hàng đầu chính là tập trung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Theo đó, cần khẩn trương rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những quy định chưa phù hợp, gây cản trở quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, như các quy định, luật pháp về đất đai, xây dựng, các định mức trong cung ứng dịch vụ công…

Cùng với đó, tập trung nguồn lực sửa đổi, bổ sung và xây dựng hệ thống các luật mới nhằm khai thác tốt hơn các cơ hội mới, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu theo hướng số hóa, xanh hóa…

Giải pháp tiếp theo, là đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm. Trong đó, với riêng tái cơ cấu đầu tư công, thì tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu quả đầu tư và phát huy mạnh hơn vai trò đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư nhân; thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Các giải pháp khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước; tập trung phát huy vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các đô thị lớn, các cực tăng trưởng, thúc đẩy tăng năng suất...

Thẩm tra báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá cao kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, tính bất định cao, rủi ro, thách thức ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, do có tới 13 chỉ tiêu đang gặp thách thức rất lớn, khó đạt được mục tiêu đến năm 2025, các đại biểu đề nghị cần tập trung phân tích, đánh giá những chỉ tiêu này, làm rõ nguyên nhân và hướng xử lý.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục