Trong các ngày từ 26-29/3/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác tới thăm và làm việc tại Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới - sự kiện hàng năm quy tụ các nhà lãnh đạo hàng đầu các quốc gia để trao đổi, chia sẻ về chính sách thúc đẩy phát triển các nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cùng đoàn công tác cũng gặp gỡ và làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh, nghiên cứu về hợp tác trong đổi mới sáng tạo và phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Thúc đẩy hợp tác đầu tư, đổi mới sáng tạo
Trong lịch trình làm việc liên tục tại UAE, một trong những cuộc gặp quan trọng, đó là Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Chủ nhiệm Các dịch vụ Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng UAE, để thảo luận, thống nhất về các nội dung hợp tác về đổi mới sáng tạo.
Thông tin cho biết, tại cuộc làm việc giữa hai bên hồi tháng 10/2021, Việt Nam và UAE đã thống nhất tập trung hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm đô thị thông minh, sản xuất thông minh, an ninh mạng, chuyển đổi số, công nghệ nông nghiệp và môi trường.
Đặc biệt, hai bên cũng đã nhất trí ưu tiên hợp tác trong thời gian tới trong các lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hai bên cũng đã trao đổi về việc ký kết một biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với Trung tâm Đổi mới sáng tạo của UAE.
Chính vì vậy, trong chuyến công tác lần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị phía UAE hỗ trợ kết nối các hệ sinh thái, các cơ sở nghiên cứu đào tạo về đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp công nghệ của UAE để hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Cùng với đó, đề nghị UAE giúp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, triển khai các chương trình học bổng của UAE cho Việt Nam về công nghệ thông tin, có thể là đào tạo từ xa và đào tạo trực tiếp. Đồng thời, trao đổi và hỗ trợ các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam sang học hỏi, nghiên cứu tại các trung tâm của UAE; hoặc UAE có thể cử chuyên gia sang giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trong nước.
Việc kết nối, giới thiệu những cơ hội đầu tư vào Việt Nam cho các nhà đầu tư UAE cũng đã được đề xuất. Theo Bộ trưởng, với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NIC, nhà đầu tư UAE có nhiều cơ hội tiếp cận các startups tiềm năng và được hưởng các cơ chế ưu đãi đặc thù được Chính phủ quy định khi hoạt động hoặc trở thành đối tác của NIC.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã tiếp và đến thăm một loạt tập đoàn lớn của UAE như Emirates, Nanorack, Binance, Aquarius Global, quỹ đầu tư Cypher Capital, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp quốc gia Abu Dhabi (Hub71)..., cũng như đi khảo sát các mô hình đầu tư mới.
Tại các buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các tập đoàn, các quỹ đầu tư, dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đơn vị như Binance, Cypher Capital, Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp quốc gia Abu Dhabi... hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ cho các startup phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam, thậm chí là thông qua NIC, hỗ trợ xây dựng phòng Lab về công nghệ blockchain; hay phối hợp với NIC thành lập Quỹ tài trợ cho startup trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Tại cuộc gặp với Emirates, Bộ trưởng hoan nghênh và đề nghị Tập đoàn Emirates mở rộng và đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Emirates có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng phát triển như như logisitics, công nghệ hàng không, chuyển đổi số, tài chính, bán lẻ, dịch vụ chất lượng cao…
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn rằng, Emirates sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy các doanh nghiệp đối tác tại UAE và trên toàn cầu tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Chia sẻ tầm nhìn phát triển trung tâm tài chính quốc tế
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại UAE, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã thăm và làm việc tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Abu Dhabi (ADGM), Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai (DIFC)...
Phát biểu tại các buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu việc xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn được hợp tác và trao đổi với ADGM, DIFC... về kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.
Năm 2004, UAE đã quyết định hình thành một đặc khu riêng biệt với diện tích 110 ha với mục tiêu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế. Theo đó, Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC) đã được thành lập và được cho phép hoạt động theo mô hình “một quốc gia độc lập”, với các cơ quan quản lý và điều tiết riêng với hệ thống tòa án độc lập theo hệ thống luật tương tự mô hình Anh.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, đây là một trong những trung tâm tài chính hiện đại nhất thế giới bên cạnh New York, London, Tokyo, Hong Kong và Singapore. DIFC nằm giữa các trung tâm tài chính của NewYork và London ở phía Tây, và Hồng Kông và Singapore ở phía Đông.
Trong năm 2021, DIFC đạt được những kết quả ấn tượng: doanh thu đạt mức cao kỷ lục (tăng 16%) với mức 244,2 triệu USD; số lượng công ty đăng ký thành lập mới cũng cao kỷ lục (996 công ty, tăng 16%).
Theo xếp hạng Chỉ số các Trung tâm tài chính toàn cầu năm 2021, DIFC là trung tâm tài chính lớn nhất ở Trung Đông và châu Phi và lớn thứ 19 trên toàn thế giới. Tổng tài sản ngân hàng đặt tại DIFC đạt khoảng 198,5 tỷ USD.
Trong khi đó, ADGM là một trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tự do tài chính duy nhất nằm trên Đảo Al Maryah ở thủ đô Abu Dhabi và là khu vực tự do tài chính thứ hai của UAE sau DIFC.
ADGM được thành lập nhằm mục đích thu hút các công ty quốc tế bằng cách cung cấp một môi trường thuận lợi để tiến hành kinh doanh ở Trung Đông, tại một vị trí có vị trí chiến lược giữa thị trường phương Tây và phương Đông.
Kể từ khi đi vào hoạt động vào cuối tháng 10 năm 2015, ADGM đã nhanh chóng nhận được sự công nhận trên toàn cầu nhờ hệ sinh thái thân thiện, đổi mới với doanh nghiệp. ADGM cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tận dụng các xu hướng mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính quốc tế và những phát triển liên quan đến thế giới sau đại dịch.
Theo đó, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra, chẳng hạn, DIFC được xây dựng và phát triển theo mô hình như thế nào? Những luật pháp quốc tế nào được áp dụng tại DIFC? Vai trò nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong quá trình xây dựng DIFC? Vốn đầu tư được huy động từ các nguồn và kênh nào?
Hay các điều kiện cần và đủ để thành lập một trung tâm tài chính quốc tế là gì? ADGM có sự khác biệt về hệ thống luật pháp, cơ chế quản lý và vận hành, ưu đãi thế nào so với DIFC? Sự phối hợp giữa bộ máy điều hành hoạt động của DIFC với sự tham gia của chính phủ và các bộ ngành như thế nào?...
Chia sẻ tầm nhìn phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đặt câu hỏi rằng, với quy mô tài chính còn khiêm tốn và độ mở về giao dịch ngoại hối còn hạn chế, nhưng lại có lợi thế vị trí địa lý trung tâm của khu vực ASEAN và có múi giờ khác biệt so với các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, thì để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và quốc tế, Việt Nam cần phải chú trọng cải thiện những vấn đề gì?
Đây là những thông tin quan trọng, sẽ giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.
Lãnh đạo TP.HCM và Khánh Hòa - đi cùng đoàn công tác của Bộ trưởng, hai địa phương muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu thương mại tự do, cũng rất quan tâm đến các mô hình của ADGM, DIFC.