Tại buổi làm việc trực tuyến với ông Mohammed Bin Taliah, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc mà UAE nói chung và Dubai nói riêng đã đạt được trong thời gian qua.
Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao và coi UAE là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Trung Đông. Các doanh nghiệp UAE có tiềm lực tài chính, công nghệ và đi đầu trong khu vực về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn UAE và Dubai chia sẻ những thành công của mình với Việt Nam và cụ thể hơn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, xây dựng các mạng lưới chuyên gia và nhân tài, kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới…
Tại Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập năm 2019 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Việc thành lập NIC là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang được xây dựng trên quy mô lớn, hiện đại; tập trung vào 5 lĩnh vực để ưu tiên cho phát triển trung tâm này, bao gồm: sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, và công nghệ môi trường. Tuy nhiên, việc xác định mô hình nào, công nghệ và tổ chức thực hiện ra sao thì Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng rất cần sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là của những nước đã thành công trong lĩnh vực này.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã lưu ý với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ UAE về 4 đề xuất hợp tác quan trọng với phía UAE. Thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn phía UAE quan tâm hỗ trợ kết nối các hệ sinh thái, các cơ sở nghiên cứu đào tạo về đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp công nghệ của UAE để hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, có thể là đào tạo từ xa và đào tạo trực tiếp. Thứ ba, trao đổi và hỗ trợ các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam sang học hỏi, nghiên cứu tại các trung tâm của UAE; hoặc UAE có thể cử chuyên gia sang giúp Việt Nam đào tạo nhân lực trong nước.
Thứ tư, nghiên cứu giúp Việt Nam xây dựng một quỹ riêng biệt để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời hỗ trợ các startup Việt Nam nghiên cứu các công nghệ có tính mạo hiểm.
Về phần mình, ông Mohammed Bin Taliah, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ UAE cho biết phía UAE cũng có một trung tâm tương tự NIC và bày tỏ mong muốn xác định các cơ hội hợp tác và triển khai các bước tiếp theo với phía Việt Nam trong thời gian tới.
"Mục tiêu của chúng ta là làm sao để nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; triển khai những chương trình đổi mới sáng tạo và đưa các chương trình này vào quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ UAE nhấn mạnh.
Ông Mohammed Bin Taliah cho biết UAE đang chuẩn bị lực lượng lao động cho chuyển đổi số quốc gia, cân nhắc đến việc làm thế nào để phục vụ người dân và doanh nghiệp tại UAE, cung cấp các dịch vụ công một cách hiện đại, thân thiện với người dùng.
"Ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, UAE đã nhanh chóng triển khai các hoạt động và dự án chuyển đổi số với tốc độ nhanh nhất để cố gắng đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch và đạt hiệu quả. Dịch bệnh cho thấy rằng cần thiết phải tìm ra các mô hình phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, không chỉ ở UAE và còn nhiều các quốc gia khác trên thế giới", đại diện Văn phòng Chính phủ UAE nhấn mạnh.