Chỉ 12 nước vượt qua được bậc thu nhập trung bình, CMCN lần thứ 4 là cơ hội để Việt Nam trỗi dậy
Chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0" mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại và thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao là mục tiêu rất quan trọng và rất lớn trong khi thời gian còn rất ít, rất ngắn.
Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới (WB) tổng kết lại, chỉ có 12 nước vượt qua được bậc thu nhập trung bình, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để Việt Nam tận dụng để trỗi dậy, đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, đạt được những khát vọng của mình.
“Muốn làm được điều này, yếu tố con người là quyết định, sau đó đến thể chế, đầu tư, hệ sinh thái... Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao và bổ sung 2 nội hàm mới đó là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; là giá trị văn hóa con người Việt Nam”, Bộ trưởng nêu.
Trả lời câu hỏi của ông Bùi Hữu Thế, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa về các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đặc biệt là định hướng hoàn thiện chính sách nhằm thu hút đầu tư cho khởi nghiệp hiệu quả hơn thông qua các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chỉnh sửa, sửa đổi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo để phù hợp với thực tiễn hơn, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đi sâu vào vấn đề khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo mà tiếp cận theo cách là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động thế nào đến nền kinh tế và nền kinh tế của Việt Nam tận dụng thế nào để chúng ta đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung vào xây dựng rất nhiều hoạt động, chương trình, bao gồm xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định các yêu cầu hỗ trợ cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ nhận được hỗ trợ cần thiết trong điều kiện cụ thể khi đến với Trung tâm.
Trung tâm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, với 8 trung tâm nghiên cứu ở các ngành công nghệ chính, gồm: Công nghiệp sản xuất thông minh; Đô thị thông minh; An ninh mạng; Công nghiệp sáng tạo; Môi trường; Kinh tế; Sản xuất chíp và bán dẫn; Năng lượng ISO; Hình thành các trung tâm, các hệ sinh thái theo hướng kết nối giữa Nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp để tạo cơ chế thuận lợi, chính sách vượt trội, đặc thù nhằm hỗ trợ, thúc đẩy cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, về nguồn nhân lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kết nối với gần 20 trường đại học hàng đầu để hỗ trợ cho các trường tiếp cận với kinh tế số, chuyển đổi số; hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam với mục tiêu đến năm 2030 các doanh nghiệp được tiếp cận, hỗ trợ cần thiết.
Năm 2018, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập được ra mắt với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện/trường hàng đầu thế giới. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Mạng lưới đã có mặt tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (gồm 8 Mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan, Bờ Đông và Bờ Tây Hoa Kỳ) và các chuyên gia, nhà khoa học, tri thức trẻ người Việt trên khắp toàn cầu chung tay với lực lượng nghiên cứu trong nước để hình thành công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang ấp ủ thực hiện “chương trình đào tạo tinh tài cho Việt Nam”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là tham vọng, nỗ lực triển khai trong giai đoạn qua trên tinh thần hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có điều kiện tốt nhất để vươn lên, dùng tri thức, kiến thức của mình đóng góp cho đất nước trong thời gian tới, góp phần thay đổi quốc gia, dân tộc, cho Việt Nam trỗi dậy và đạt được các mục tiêu, tham vọng đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
"Sống phải có khát vọng, phải có lý tưởng thì mỗi ngày mới chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng”
Cũng chia sẻ với các thanh niên trước câu hỏi làm sao để có được tâm, trí, thể lực khỏe, tinh thần khỏe, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ ra ba điều.
Theo Bộ trưởng, sống phải có khát vọng, phải có mục đích, phải có lý tưởng thì mỗi ngày mới chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng. Còn nếu chúng ta không có thì không biết thức dậy để làm gì, bắt đầu từ đâu. Trước hết, nó rất phù hợp với các bạn thanh niên, phải có lý tưởng, phải có mục đích, phải có khát vọng của mình.
Thứ hai là phải có tâm sáng, làm gì cũng nghĩ đến đất nước, đến Tổ quốc, đến dân tộc, đến nhân dân, chứ đừng làm gì, chưa làm gì đã nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình, người thân của mình, thì sẽ không làm được cái gì hết.
Thứ ba là phải có một trái tim lửa, phải quyết liệt. Điều đó phù hợp với thanh niên, tiên phong, gương mẫu, đi đầu, không ngại thách thức, không ngại rủi ro.
“Tôi cho rằng, nếu chúng ta có khát vọng, tâm sáng, trái tim lửa, chắc chắn mỗi ngày mới là một ngày tràn đầy năng lượng với tất cả chúng ta…”, Bộ trưởng đúc rút.
Một nội dung trong cuốn sách "My vision - Tầm nhìn thay đổi quốc gia" của Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Phó tổng thống kiêm Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn lại. Đó là câu chuyện ở châu Phi, mỗi một sáng thức dậy, con linh dương vươn mình nghĩ rằng nó phải chạy nhanh nhất có thể, nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất, không thì nó sẽ bị ăn thịt. Ngược lại, con sư tử cũng vươn mình đứng dậy nghĩ mình phải chạy nhanh nhất, chạy nhanh hơn con linh dương chạy nhanh nhất, không mình chết đói. Ông cũng có nói, nếu chúng ta có leo lên đỉnh Everest hoặc leo lên mặt trăng mà chúng ta về nhì, thì chắc không ai nhớ đến chúng ta cả.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thanh niên luôn luôn phải lấy nhiệt huyết, tinh thần của thanh niên dẫn đầu, luôn phải tiên phong, luôn phải là số một.
“Tôi rất tâm đắc với bài hát ‘Khát vọng’ của Phạm Minh Tuấn, hay bài ‘Tuổi 20’ của Nguyễn Hoàng. ‘Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà ta hãy làm gì cho Tổ quốc hôm nay’. Tôi rất thích câu đó. Hay ‘hãy sống như đời sống, để thấy đời mênh mông". Và câu kết cuối cùng ‘sao không làm mặt trời, gieo hạt nắng vô tư?’. Bài đó rất nhiều câu hỏi cảm thán sao không phải là cái này, là cái kia, sao không phải là cái kia, là cái nọ, nhưng trước đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt có sửa lại một từ trong bài đó mà tôi rất tâm đắc. Đó là "hãy là mặt trời, gieo hạt nắng vô tư" chứ không còn là "sao không làm mặt trời". Không phải là câu hỏi nữa mà phải hành động, phải thể hiện tinh thần đó!”, Bộ trưởng đúc rút và chia sẻ tới thế hệ thanh niên.