Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Dự trữ ngoại hối tăng mạnh lên 63 tỷ USD

(ĐTCK) 4 tháng đầu năm nay, bên cạnh những tín hiệu tích cực, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

“4 tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tăng trưởng kinh tế tiếp tục tích cực. Mặt bằng lãi suất và tỷ giá luôn ổn định. Đến nay dự trữ ngoại hối đạt gần 63 tỷ USD. 2 năm qua, chúng ta mua thêm được 32 tỷ USD…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, diễn ra chiều muộn hôm nay (3/5).

Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch trên 6,7% trong năm nay, nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra.

“Kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng chưa thật bền vững. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng thấp, nhưng nếu chủ quan thì sẽ có những biến động khó lường về lạm phát vì nhiều nguyên nhân, nhất là giá dầu thô trên thế giới đang tăng. Hiện giá dầu thô đã tăng lên 72 USD/thùng, cao nhất trong nhiều năm qua…”, ông Dũng cho hay.

Một khó khăn nữa đang ảnh hưởng không tích cực đến tăng trưởng kinh tế, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là 4 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, chỉ đạt 16,4%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 22%. Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này là do vướng mắc về: thủ tục đầu tư công, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện... Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, nhưng vốn đăng ký mới giảm.

Tuy môi trường kinh doanh có nhiều tiến bộ, nhưng nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh có thứ hạng thấp so với nhiều nước trên thế giới, nhất là các chỉ số về gia nhập thị trường, phá sản doanh nghiệp…

4 tháng qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng, nhưng có tới trên 26.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 4.700 doanh nghiệp đăng ký giải thể…

“Tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng nhắc tình trạng trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa lạnh. Thủ tướng nêu ra một ví dụ là nhà đầu tư phải đến sở xây dựng ở một địa phương đến 32 lần để xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án, nhưng không được việc. Nhà đầu tư kêu ca, phàn nàn. Không phân cấp thì kêu, nhưng phân cấp rồi mà giải quyết như vậy là cần phải xem xét. Đây là điều không thể chấp nhận được...”, ông Dũng nói.

Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, thực tế trên đang tiếp tục đòi hỏi các cơ quan quản lý cần quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những bất cập, vướng mắc trên, nhất là tập trung thực thi các giải pháp cải cách môi trường kinh doanh…, để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bởi nhiệm vụ của năm 2018 là rất nặng nề.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục