Nhìn nhận về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vấn đề cải tạo chung cư cũ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trách nhiệm xử lý, cải tạo chung cư cũ là của Bộ Xây dựng, tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động này cũng chưa được thực hiện hiệu quả, kịp thời.
Theo ông Hà, hiện trong cả nước có khoảng 2.500 khối nhà cũ, nguy hiểm. Các “điểm tắc” hiện nay là không hài hòa được lợi ích của người dân, nhà nước và chủ đầu tư. Chủ đầu tư bị trói buộc bởi hạn chế chiều cao, mật độ cư dân, dẫn đến không đảm bảo lợi nhuận nên ít mặn mà.
Hướng giải pháp thời gian tới là sửa đổi, bổ sung thể chế, trong đó, phải có các quy định linh động hơn, cho phép tăng chiều cao công trình, tăng dân số trong một số trường hợp.
“Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế thí điểm, đặc thù. Xây dựng chung cư cũ nhưng mở rộng cả khu vực xung quanh để tạo sự đồng bộ và lợi nhuận cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn cho dự án”, ông Hà nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu cụ thể, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách mới, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bộ Xây dựng sẽ có báo cáo về vấn đề này trong năm 2019.
“Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường kiểm tra. Luật chúng ta cũng đã quy định, có thể phát tiền từ 270 - 300 triệu đồng nếu chủ đầu tư bán nhà khi chưa đủ điều kiện. Thậm chí, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng”, ông Hà cho biết.
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã trả lời nhiều thắc mắc của các đại biểu quốc hội về các nhóm chủ đề: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), biệt thự du lịch (resort villa); công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị và việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô Hà Nội.