Chế tài mạnh như vậy, song để các tổng công ty (TCT) ngành xây dựng đưa được cổ phiếu ra thị trường và có sự chuyển biến thực sự trong hoạt động, còn rất nhiều việc phải làm.
Lộ trình triển khai
Với 16 TCT trực tiếp quản lý, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa 6 TCT; hoàn thành xác định giá trị DN 2 TCT và đang trình phương án cổ phần hóa 2 TCT này; đồng thời, đang xác định giá trị DN 3 TCT khác. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, TCT Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) và TCT Vật liệu xây dựng số 1 (Fico) sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Đến hết năm 2015, các TCT còn lại sẽ tiến hành IPO.
Ông Đặng Văn Long, Vụ trưởng Vụ DN, Bộ Xây dựng cho biết: “Bộ quyết liệt trong việc đôn đốc, nhắc nhở các DN thực hiện cổ phần theo kế hoạch đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng lộ trình triển khai công việc để các DN thực hiện. Đơn vị nào làm chậm phải có biện pháp đốc thúc ngay. Lãnh đạo DN nào không làm xong, dứt khoát phải kỷ luật”.
Định giá phức tạp
Thực tế triển khai tái cơ cấu DNNN cho thấy, vấn đề định giá DN chiếm nhiều thời gian và phức tạp nhất. Các DN ngành xây dựng đều là DN lớn, nhiều DN có tổng giá trị tài sản đạt 20.000 - 30.000 tỷ đồng như: TCT Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), TCT Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Trong đó, đất đai, tài sản, nhà máy, mỏ nguyên liệu… không những nhiều, mà còn trải dài trên nhiều vị trí địa lý. Theo Kiểm toán Nhà nước, HUD đang quản lý hơn 31 triệu m2 đất, Licogi nắm hơn hơn 3,4 triệu m2, Vicem có trong tay hơn 21,5 triệu m2…
Để không thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, ông Long cho biết, sau khi tổ chức tư vấn thực hiện định giá, cơ quan chủ sở hữu là Bộ Xây dựng sẽ thẩm định lại các tính toán của tổ chức tư vấn.
Công nợ lớn, đầu tư ngoài ngành nhiều
Theo kế hoạch đầu tư của các DN ngành xây dựng, giai đoạn 2011 - 2015, nhiều TCT thuộc Bộ tiến hành đầu tư với giá trị lớn. Trong đó, số vốn đầu tư ngoài ngành chiếm quá nửa. Cụ thể, số vốn đầu tư ngoài ngành mà các DN ngành xây dựng sử dụng vào khoảng 58.284 tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư. Trong số vốn đầu tư được các DN ngành xây dựng sử dụng, hầu hết là vốn vay thương mại, chiếm trên 90% kế hoạch vốn hàng năm của các DN. Hiện số tiền lãi vay mà các DN xây dựng phải trả là hơn 6.000 tỷ đồng/năm.
Cùng với việc mở rộng đầu tư, đầu tư ngoài ngành tràn lan, các TCT, DN thuộc Bộ còn đua nhau thành lập công ty con. Cụ thể, TCT Sông Đà có 24 công ty con và 17 công ty liên kết; TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama) có 20 công ty con, 15 công ty liên kết; Licogi có 8 công ty con, 10 công ty liên kết; TCT Cơ khí xây dựng (Coma) có 14 công ty con, 7 công ty liên kết...
Với công nợ lớn, đầu tư ngoài ngành nhiều, thời gian để xử lý công nợ, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhằm làm lành mạnh tình hình tài chính của các TCT trước khi cổ phần hóa thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến công tác IPO.
Thực tế thời gian qua cho thấy, một số đợt IPO của DN ngành xây dựng không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Chẳng hạn, TCT Viglacera chỉ bán được 80% cổ phần chào bán, TCT Bạch Đằng chỉ bán được 60% cổ phần chào bán…
Tuy vậy, từ hoạt động và những chuyển biến của một số DN ngành xây dựng sau cổ phần hóa như Viglacera, DIC… cho thấy tính hiệu quả của chủ trương cổ phần hóa, tái cấu trúc các DNNN. Khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, hầu hết DN nâng cao được hoạt động quản trị DN, hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, khi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược, DN thay đổi được hệ thống quản trị, công nghệ, máy móc, thiết bị và có thêm tiềm lực tài chính để đầu tư phát triển.
Nhiều ý kiến đánh giá, những khó khăn, vướng mắc trong cổ phần hóa nêu trên cần sớm được tháo gỡ, chủ trương “trảm tướng” các đơn vị chậm trễ cổ phần hóa cần được thực hiện quyết liệt và mở rộng ra các ngành, lĩnh vực khác. Điều này sẽ giúp kế hoạch cổ phần hóa ngành xây dựng nói riêng, kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN giai đoạn 2014 - 2015 nói chung thành công.