Sáng 15/8, trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã cảm ơn 8 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật.
Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) nêu rõ, chủ trương xuyên suốt của Đảng là xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật là khâu trọng tâm đột phá. Tuy nhiên, theo đại biểu thì nhiều năm qua nguồn nhân lực cho xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa có sự đột phá.
Đại biểu Hạnh chất vấn Bộ trưởng Tư pháp đồng thời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp tổng thể, mang tính đột phá gì cho vấn đề này?
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện đội ngũ làm công tác pháp chế trên cả nước là khoảng 10.000 người, trong đó 3.000 người làm chuyên trách, 7.000 người kiêm nhiệm. Các bộ ngành trung ương có 89 tổ chức pháp chế và 65 phòng pháp chế ở địa phương.
Đáng chú ý, ông Long nêu rõ, theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên sau rất nhiều lần đôn đốc, hiện mới có 8/28 bộ trưởng tham gia chỉ đạo công tác này.
“Tôi xin nêu và cũng đồng thời cảm ơn các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước. Số còn lại 20/28 bộ là do thứ trưởng phụ trách”, ông Long nói trước Quốc hội.
Dẫn báo cáo của chính Bộ trưởng Long, Đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) nêu hiện còn một số nơi cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong công tác tham mưu xây dựng thể chế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chính của vấn đề trên và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Hồi âm, ông Long nhấn mạnh thực trạng này không chỉ mình Bộ Tư pháp, Chính phủ nói mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và diễn đàn Quốc hội cũng nói rất nhiều. Nhưng lượng hóa thì khó.
Theo Bộ trưởng thực tế có một số trường hợp cứ không làm được, hoặc ngại làm thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật, bên cạnh đó có quan điểm khác là do thi hành pháp luật. “Đánh giá giữa nhiệm kỳ của Tổng bí thư cũng nói khâu yếu của chúng ta chính là tổ chức thi hành pháp luật”, ông Long nói.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng nói, nhiều khi cán bộ không xem xét vấn đề trong tổng thể nên nói là do pháp luật. Hoặc một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”. Cạnh đó có lý do hiểu, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa.
Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất, có tình trạng hành chính hóa.
“Những yếu tố đó cộng với ảnh hưởng của việc nọ việc kia nên các bộ ngành chưa chủ động, nên có những trường hợp cực đoan như đáng lẽ ban hành thông tư như trình tự bình thường cứ trao đi đổi lại làm để theo thủ tục rút gọn, mất 4-5 tháng để quyết định xem có rút gọn hay không, thì thà làm chính thức ngay từ đầu”, ông Long nói.
Về giải pháp, ông Long cho hay Bộ Nội vụ được giao ban hành nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết bởi đây chỉ là nghị định còn những vấn đề liên quan lại ở tầm luật.