Thuế TP.HCM thu ngân sách tăng gần 10% nửa đầu năm 2025

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thu ngân sách trên địa bàn TP.HCM đạt gần 294.138 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tăng mạnh, đặc biệt từ đất đai và các sắc thuế gián thu.
Toàn cảnh Hội nghị. Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 18/7, Thuế TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2025.

Kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2025 của Thuế TP.HCM cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 294.138 tỷ đồng, bằng 58,61% dự toán pháp lệnh và tăng 9,58% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 23.516 tỷ đồng (giảm 14,74% so với cùng kỳ), còn lại thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 270.621 tỷ đồng, tăng 12,36%.

Đáng chú ý, các khoản thu thuế, phí nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, cổ tức, xổ số, chênh lệch thu chi của NHNN) đạt 239.677 tỷ đồng, bằng 59,68% dự toán.

Kết quả tích cực này cho thấy nỗ lực quản lý thuế, tổ chức bộ máy và hỗ trợ người nộp thuế hiệu quả của cơ quan thuế thành phố trong bối cảnh tiếp tục tinh gọn bộ máy theo tinh thần cải cách hành chính.

Thông tin về nhiệm vụ trọng tâm và nhóm giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2025, ông Nguyễn Văn Công, Phó thuế TP.HCM cho biết, Thuế TP.HCM sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với 10 giải pháp.

Cụ thể, đẩy mạnh khai thác nguồn thu, chống thất thu, kiểm soát thu đúng, đủ, kịp thời. Chú trọng thu từ thương mại điện tử, kinh doanh nền tảng số, thu từ đất đai, hộ kinh doanh, cá nhân có thu nhập cao; tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ đúng quy định, công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ, phối hợp chặt chẽ với công an, ngân hàng, quản lý thị trường, hải quan, quản lý xuất nhập cảnh...

Ngoài ra, thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; mở rộng triển khai Etax mobile; rà soát dữ liệu quản lý hộ khoán, chuẩn bị bãi bỏ thuế khoán theo lộ trình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên sâu, giám sát hóa đơn điện tử, ngăn chặn gian lận, trốn thuế; xử lý dứt điểm hồ sơ tồn đọng, đảm bảo hoàn thuế đúng quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan Thuế TP.HCM tiếp tục triển khai quyết liệt chuyển đổi số, ứng dụng AI, Big Data trong phân tích rủi ro, phát hiện gian lận thuế; thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế và các sở ngành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ người nộp thuế tiếp cận chính sách mới, đặc biệt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất; chuẩn hóa dữ liệu người nộp thuế theo địa bàn hành chính mới, đảm bảo hoạt động thông suốt sau khi sắp xếp lại chính quyền địa phương hai cấp theo Nghị quyết 60-NQ/TW.

Quản lý hiệu quả thuế TNCN, thu từ nhà thầu nước ngoài, từ đầu tư vốn, tiền lương – tiền công; tăng cường hậu kiểm hồ sơ hoàn thuế cá nhân. Tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, sắp xếp lại cán bộ, công chức phù hợp với cơ cấu mới; nâng cao năng lực, đạo đức công vụ trong đội ngũ thuế.

Thuế TP.HCM tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương nội ngành, tăng cường thanh tra công vụ, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm – chống lãng phí, đặc biệt tại các khâu dễ phát sinh tiêu cực.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả tích cực ngành thuế thành phố đạt được trong thời gian qua. Kết quả đó đã góp phần quan trọng giúp TP.HCM cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Trung ương giao.

Theo ông Dũng, số liệu thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 là khả quan, trong đó đáng chú ý là các khoản thu từ đất đai có chuyển biến rõ rệt, cho thấy sắc thuế liên quan đến đất đai đã có sự khởi sắc hơn so với các năm trước. Theo đó, cần phải làm sao có thêm nguồn lực để tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ công.

“Những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều dư địa cần khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đề cập đến công tác xử lý nợ đọng thuế, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiều năm qua Thành phố đã rất quyết liệt nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, ông đề nghị ngành thuế cần tập trung thêm các giải pháp đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả hơn để kéo giảm nợ thuế, nhất là các khoản nợ chây ỳ, kéo dài.

Về phương hướng sắp tới, ông Dũng thống nhất với nhóm giải pháp mà Thuế TP.HCM đã đề ra trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng thời nhấn mạnh một số yêu cầu.

Cụ thể, tiếp tục rà soát, củng cố tổ chức bộ máy và ổn định tư tưởng đội ngũ sau sắp xếp theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, bố trí đúng người, đúng việc.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần sớm tham mưu UBND Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thu ngân sách, thay thế mô hình Ban Chỉ đạo chống thất thu hiện nay. Theo ông Dũng, đây không chỉ là vấn đề tên gọi mà còn là thay đổi tư duy tiếp cận, chủ động, tổng thể, có tầm nhìn chiến lược trong quản lý và phát triển nguồn thu.

Quan tâm đến việc rà soát, bổ sung nhân sự phù hợp sau khi sáp nhập địa giới hành chính. Đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý trên địa bàn rộng hơn, đông dân hơn, đa dạng hơn về loại hình kinh doanh và cơ cấu doanh nghiệp.

Theo ông Dũng, UBND Thành phố đã phát động phong trào thi đua 100 ngày cao điểm, chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Theo đó, ngành Thuế cần hưởng ứng mạnh mẽ, gắn với chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Dũng cũng đề cập đến việc tận dụng tiềm năng kinh tế ban đêm tại TP.HCM. Theo đó, kinh tế đêm không chỉ dừng lại ở dịch vụ ăn uống, mà cần mở rộng sang các lĩnh vực văn hoá, giải trí, hoạt động ven sông, chợ đêm… đồng thời đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm thất thu, thúc đẩy minh bạch, hiện đại hóa nền kinh tế đô thị.

Vị Phó chủ tịch cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác thu, quản lý thuế. Bởi khi địa bàn đã được mở rộng, nếu vẫn áp dụng phương pháp quản lý thủ công, truyền thống thì sẽ rất khó khăn.

“Ngành thuế TP.HCM cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, quản lý điện tử, tự động hóa để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí và nguồn lực”, ông Dũng nói.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục