Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về quyết định mang tính lịch sử này của ngành giao thông cũng như lộ trình thực hiện cắt, giảm, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh được nêu trong Quyết định số 767/QĐ - BGTVT ngày 17/4/2018.
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng đã ký Quyết định số 767 công bố phương án cắt giảm, đơn giản 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Xin Bộ trưởng cho biết, trong đó, cụ thể bao nhiêu phần trăm điều kiện được cắt bỏ và bao nhiêu phần trăm được đơn giản? Vì một vài chuyên gia cho rằng muốn đi vào thực chất thì phải cắt bỏ, chứ không chỉ là “đơn giản” hoặc "chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác"?
Chúng tôi thấy rằng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính hoặc cắt giảm sẽ có lợi cho xã hội rất nhiều. Việc này có thể giúp cho các doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để có thể tham gia kinh doanh, sản xuất kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng sẽ giảm tải được công việc hiện nay đang phải phục vụ.
Thời gian vừa qua, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 về cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Bộ GTVT đã tập trung cao độ cho việc rà soát lại các thủ tục hành chính. Hiện, Bộ GTVT có 5 lĩnh vực gồm: đường sắt, đường bộ, hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải.
Sau một thời gian các đơn vị trực tiếp rà soát, lãnh đạo Bộ GTVT cũng liên tục có các cuộc họp với các đơn vị đến thời điểm này sau khi Bộ GTVT được sự đồng ý của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, tôi đã ký Quyết định số 767 về cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tại thời điểm rà soát, Bộ GTVT có 570 điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sau khi rà soát Bộ GTVT quyết định cắt giảm và đơn giản hóa 384/570 điều kiện, chiếm 67,76%.
Đây chưa phải là con số cuối cùng. Vì hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát trong quá trình thiết kế lại, cái nào cắt giảm được sẽ tiếp tục cắt giảm vì tôi hiểu rằng cắt giảm mới là yêu cầu chính trong Nghị quyết 01 của Chính phủ, còn đơn giản hoá cũng giúp được doanh nghiệp nhưng giúp không nhiều.
Trong số các điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng có thể nêu ví dụ về điều kiện được loại bỏ mà Bộ trưởng cho rằng sẽ tạo ra tác động lớn nhất và gỡ được “thút nắt” mà các doanh nghiệp mong đợi nhiều nhất?
Lĩnh vực cắt giảm, đơn giản hóa được nhiều nhất là lĩnh vực hàng không chiếm đến 74% các điều kiện kinh doanh, rồi đến ngành đường sắt cắt giảm trên 73%, ngành đường bộ cắt giảm trên 68%, ngành đường thủy nội địa cắt giảm trên 63%, hàng hải cũng khoảng 63%.
Ngoài ra, Bộ GTVT còn cắt giảm thêm 2 lĩnh vực về đăng kiểm và kinh doanh vận tải đa phương thức. Với lĩnh vực đăng kiểm, chúng tôi hiểu rằng lĩnh vực này có liên quan mật thiết đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu nên đã rà soát để cắt giảm trên 61% điều kiện.
Còn lĩnh vực kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực cũng được Bộ GTVT chú trọng rà soát bởi hiện nay chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh trên đường bộ, đường thủy, đường biển để giúp hàng hóa giảm chi phí, giúp doanh nghiệp điều hành công việc tốt và giảm chi phí logistic. Do đó, lĩnh vực này cũng cắt giảm trên 61% điều kiện.
Ngoài ra, có khoảng 6 lĩnh vực chúng tôi cắt bỏ hẳn hoàn toàn. Ví dụ như hoạt động nhập khẩu pháo hiệu ở ngành hàng hải thì số lượng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mặt hàng này không nhiều và những hàng này mang tính chất chuyên dụng nên chúng tôi quyết định bỏ hẳn những điều kiện kinh doanh liên quan.
Bộ GTVT tập trung vào việc giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành bởi nhận thức được việc Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu và độ mở của nền kinh tế rất lớn. Trước đây, đa số các hoạt động đó là tiền kiểm trước khi xuất nhập khẩu thì nay hậu kiểm.
Chúng ta không kiểm tra trước thì có thể xử phạt, kiểm tra xác suất sau để giảm bớt công sức của cơ quan nhà nước và cũng giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. Vì vậy, tôi đánh giá việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là hoạt động có đột phá lớn nhất lớn nhất trong ngành giao thông.
Đến thời điểm này, mặc dù Bộ GTVT đã đạt được con số tương đối tốt nhưng chưa phải con số cuối cùng. Vì tôi quan điểm cái gì tạo được thuận lợi cho doanh nghiệp, xã hội Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm mà không đợi tới khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mới làm.
Lộ trình, tiến độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh nêu trong Quyết định sẽ được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng? Bộ xác định mốc thời gian nào trong thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra?
Bộ GTVT đã đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối tháng 10/2018, vụ trưởng, cục trưởng các đơn vị cùng các bộ phận liên quan bắt đầu thiết kế lại các quy định, điều kiện nào cắt thì bỏ hẳn, còn điều kiện nào đơn giản sẽ viết lại cho đơn giản, gọn nhẹ.
Sau khi hoàn thành sẽ có 3 nhóm, gồm:
Nhóm thứ nhất, các điều kiện liên quan đến các Thông tư của Bộ GTVT sẽ thực hiện ngay vì thuộc thẩm quyền của Bộ.
Nhóm thứ hai, gồm các điều kiện, thủ tục thủ tục liên quan đến các Nghị định của Chính phủ, do Chính phủ ban hành thì đến thời điểm cuối tháng 10/2018 Bộ GTVT sẽ trình lên Chính phủ, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để để thống nhất. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ thì những thủ tục đó Bộ GTVT sẽ thực hiện ngay.
Nhóm thứ ba, liên quan đến những quy định nằm trong Luật thì Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ tổng hợp bởi không chỉ riêng Bộ GTVT mà còn liên quan tới nhiều bộ, ngành khác. Sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh.
Nhìn lại quá khứ, khoảng năm 2000, nhiều điều kiện kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải được cắt giảm, tạo thay đổi lớn đến mức, hôm trước, người ta xếp hàng dài tại các Sở GTVT để chờ xin giấy phép, tới hôm sau đã không còn bóng dáng một ai. Nhờ việc bãi bỏ các rào cản thời kỳ đó, rất nhiều doanh nghiệp vận tải lớn xuất hiện, với nhiều dịch vụ mới và chất lượng dịch vụ cũng tăng lên. Thế nhưng, sau một thời gian, các giấy phép con không những dần được phục hồi mà còn tăng thêm. Theo Bộ trưởng, làm sao để tránh “vết xe đổ”?
Trong các buổi giao ban thường xuyên của Bộ GTVT chúng tôi nêu ra một quy định mang tính bắt buộc trong nội bộ của ngành giao thông đó là: Từ nay về sau, khi ban hành các Thông tư không được phát sinh thêm thủ tục hành chính, nếu Thông tư nào ban hành mà doanh nghiệp phản ánh phát sinh thêm thủ tục hành chính thì Bộ GTVT sẽ truy cứu trách nhiệm của ban soạn thảo và thủ trưởng các đơn vị.
Không có lý do gì để phát sinh thêm giấy phép con, gây khó khăn cho xã hội, cho doanh nghiệp mà bản thân cơ quan Nhà nước cũng "tự tạo thêm việc cho mình". Tôi hy vọng là trong thời gian sắp tới, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giao thông vận tải từ nay về sau chỉ giảm chứ không tăng.