Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bên lề cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm diễn ra sáng 9/7.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, cơ quan này vừa báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam.
Lãnh đạo ngành Công Thương cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế, còn là cạnh tranh quyền lực, là cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ không chỉ áp các biện pháp thuế, còn cả các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh.
"Việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm nước này, gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ..., tràn vào Việt Nam", ông Tuấn Anh nêu. Vì vậy, ông cho rằng, Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức.
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay đã không còn chỉ là câu chuyện cảnh báo mà nó đã trở thành thực tế.
“Chúng ta cũng chưa thể đánh giá hết được mức độ cũng như ảnh hưởng tác động và nguy cơ tiếp tục diễn biến bùng nổ lớn hơn như thế nào. Và đây cũng là thời điểm nhạy cảm và nóng hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng nhận định.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định rằng: "Mặc dù có nhiều dự báo cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là cơ hội cho Việt Nam, tuy nhiên theo tôi thì không thể là cơ hội cho Việt Nam được".
“Đối với một nước có độ mở kinh tế lớn thì bất kỳ tác động lớn trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định tới nước ta và không biết cuộc chiến này bao giờ mới kết thúc cho nên đó là 1 thách thức lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam”, ông Chinh nhận xét.
Thậm chí, thách thức với Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là hiện hữu do Việt Nam đã hội nhập, mọi biến động kinh tế thế giới đều có thể "dội vào". Theo ông Chinh, điểm khó trong cuộc chiến này là không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào, một tháng, một năm hay lâu hơn nữa. Do đó, khó đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó.
"Thuận lợi hay không cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ”, ông Chinh nói.
Giải pháp ứng phó trước mắt của Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu là thực hiện song song ba giải pháp như tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu.
Trong khi đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng trước những diễn biến căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung, thì với Việt Nam "trong nguy vẫn có cơ".
Còn theo tính toán của Ngân hàng Standard Chartered, nếu vì căng thẳng thương mại mà hàng hóa Trung Quốc không xuất khẩu tới Mỹ được nữa thì kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tối đa là một điểm phần trăm GDP - tức từ mức tăng trưởng giả định 6,7% nay có thể lui về còn 5,7%.
Tuy nhiên, đây chỉ là tính toán lý thuyết, còn trên thực tế, chắc chắn vẫn sẽ có nhiều mặt hàng Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu vào Mỹ. Và lúc đó ảnh hưởng tới GDP Việt Nam có thể chỉ là 0,05 điểm phần trăm.