Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu đáo hạn năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu đáo hạn năm 2023

Cụ thể, Bộ Tài chính đã đưa ra một số đề nghị đối với các doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023.

Thứ nhất, ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết. Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hoà, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm cả việc thanh toán bằng các tài sản khác và kéo dài kỳ hạn.

Thứ hai, tuân thủ chế độ công bố thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn.

"Các hành vi vi phạm tuỳ theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thứ ba, tiếp tục chủ động công bố thông tin, tình hình tài chính và hoạt động của doanh nghiệp để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin chính thống về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Được biết, ngày 21/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố danh sách 54 công ty phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.

Trong danh sách 54 doanh nghiệp này, đáng chú ý có hai công ty liên quan tới Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings Đỗ Thành Nhân trước đây là CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM) và CTCP VKC Holdings (mã VKC).

Cập nhật tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của một số doanh nghiệp trong danh sách trên vừa công bố:

Fuji Nutri Food tiếp tục chậm trả lãi lô trái phiếu mệnh giá 1.000 tỷ đồng

CTCP Fuji Nutri Food chậm thanh toán lãi trái phiếu mã FNFCH2223001. Trong đó, lịch thanh toán ngày 12/2/2023 là 25,21 tỷ đồng và ngày 12/5/2023 là 24,38 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới ngày 15/6/2023, Fuji Nutri Food vẫn chưa thanh toán lãi cho trái chủ với lý do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Được biết, trái phiếu mã FNFCH2223001 có kỳ hạn 12 tháng, phát hành ngày 12/8/2022, đáo hạn ngày 12/8/2023 với mệnh giá 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10% và đơn vị lưu ký là CTCP Chứng khoán VPS.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2022 (kỳ báo cáo từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022), Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 8,26 tỷ đồng. Trong khi cuối năm 2021, Fuji Nutri Food có lợi nhuận sau thuế là 35,6 triệu đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Fuji Nutri Food có địa chỉ tại 65 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM, người đại diện pháp luật là ông Lý Trường An và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Đầu tư An Khải Hưng gia hạn thời gian và tăng lãi suất đối với lô trái phiếu chậm trả có mệnh giá 180 tỷ đồng

Đối với trái phiếu mã AKHCH2123001, Đầu tư An Khải Hưng thông qua kế hoạch gia hạn thời gian thanh toán gốc.

Trong đó, ngày 23/5/2023, Công ty thanh toán số tiền gốc 5% trên giá trị trái phiếu và tiền lãi, lãi phạt quá hạn thanh toán tính từ ngày 23/2/20022 đến ngày 22/5/2023 với mức lãi suất 112% của lãi suất trái phiếu (lãi suất trái phiếu 12,5%/năm).

Trong tháng 8/2023, Công ty thanh toán tiền gốc còn lại và lãi, khoản lãi phát sinh trên khoản tiền phạt quá hạn từ ngày 23/5/2023 đến ngày thanh toán với mức lãi suất 112% của lãi suất trái phiếu (lãi suất trái phiếu 12,5%/năm).

Trước đó, ngày 23/2, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng phải thanh toán gốc và lãi mã trái phiếu AKHCH2123001 với tổng số tiền là 185,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty chỉ thanh toán được hơn 7,4 tỷ đồng, còn gần 178 tỷ đồng chưa thanh toán.

Lý do được Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng đưa ra do chưa thu xếp được nguồn thanh toán.

Được biết, 23/11/2021, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng phát hành lô trái phiếu mệnh giá 180 tỷ đồng, kỳ hạn 15 tháng (đáo hạn ngày 23/2/2023), lãi suất 12,5%/năm, được lưu ký tại Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí và được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở tại thửa đất số 1351, 588; tờ bản đồ số 19, địa chỉ phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM thuộc sở hữu của ông Huỳnh Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty.

Mục đích huy động vốn từ phát hành trái phiếu để thanh toán tiền đặt cọc mua đất tại phường Trường Thạnh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Đầu tư An Khải Hưng được thành lập ngày 26/4/2017, địa chỉ tại L17-11, tầng 17, tòa nhà Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, người đại diện pháp luật là ông Huỳnh Trọng Nghĩa và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Tập đoàn Thái Tuấn hạ giá bán tài sản đảm bảo khi chậm thanh toán lãi và gốc trái phiếu

Mã trái phiếu TTDCH2122001 phát hành ngày 12/4/2021 và đáo hạn ngày 12/10/2022, mệnh giá 300 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là 316,04 tỷ đồng, dù đã đáo hạn nhưng CTCP Tập đoàn Thái Tuấn mới chỉ thanh toán được 1,07 tỷ đồng cho trái chủ.

Ngày 12/4/2023, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn đã họp với trái chủ, thông qua việc chấp thuận điều chỉnh giá bán các tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản của nhà số 7,8,9 Trang Tử, phường 4, quận 5, TP. HCM từ 135 tỷ đồng về 75 tỷ đồng; chấp thuận chỉ thị đại lý quản lý tài sản bảo đảm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm đến hết ngày 30/4/2023; và chấp nhận cho CTCP Tập đoàn Thái Tuấn điều chỉnh kéo dài thời gian thanh toán số tiền gốc và lãi trái phiếu còn lại sau khi thanh lý 75 tỷ đồng từ việc bán tài sản bảo đảm.

Đối với trái phiếu mã TTDCH2122002 được phát hành ngày 20/5/2021, đáo hạn ngày 20/11/2022, mệnh giá là 500 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là 526,35 tỷ đồng, Công ty mới thanh toán được 29,4 tỷ đồng cho trái chủ.

CTCP Tập đoàn Thái Tuấn cho biết dự kiến sẽ họp với trái chủ trong tháng 5/2023 để xin ý kiến kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm và kéo dài thời gian thanh toán gốc, lãi trái phiếu để doanh nghiệp thu xếp dòng tiền thanh toán cho nhà đầu tư.

Được biết, cả hai trái phiếu mã TTDCH2122001 và TTDCH2122002 đều có kỳ hạn là 18 tháng và được phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư của tổ chức phát hành. Lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Hình thức đảm bảo trái phiếu là bảo lãnh thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Tài sản đảm bảo của trái phiếu TTDCH2122001 là 20 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Thái Tuấn (tổng mệnh giá là 200 tỷ đồng); nhà ở và Quyền sử dụng đất tại số 7, 8, 9 Trang Tử, phường 14, quận 5, TP HCM và 2,6 ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (tổng giá trị 210 tỷ đồng, định giá bởi CTCP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam).

Theo tìm hiểu, CTCP Tập đoàn Thái Tuấn có địa chỉ tại số 1/148 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, 1uận 12, TP. HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực dệt may, thành lập năm 2007 và đại diện pháp luật là ông Trần Hoài Nam.

Thái Tuấn nổi tiếng với thương hiệu vải Thái Tuấn, là một trong những doanh nghiệp dệt may cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang hàng đầu Việt Nam, chuyên sản xuất vải dệt jacquard, vải in bông trên công nghệ in digital, vải đơn sắc, vải đa sắc…

Đá quý và Trang sức Đức Tiến chậm thanh toán 500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn ngày 15/10/2022

Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến cho biết ngày 15/10/2022 là hạn thanh toán gốc 500 tỷ đồng trái phiếu mã DTCCH2122001, trái phiếu được phát hành ngày 15/10/2021, lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên, đến hạn, Công ty chưa thanh toán với lý do chưa thu xếp được nguồn vốn.

Mặc dù chậm trả lãi trái phiếu nhưng theo dữ liệu của Báo Đầu tư Chứng khoán, năm 2022, Công ty vẫn ghi nhận lãi 46,19 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ và hiệu quả sử dụng vốn (ROE) là 8,97% (cùng kỳ 22,14%).

Tính tới cuối năm 2022, hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0,97 lần, tương ứng dư nợ trái phiếu khoảng 499,68 tỷ đồng, tương ứng gần bằng với lô trái phiếu mệnh giá 500 tỷ đồng mà Công ty đang chậm thanh toán lãi.

Trong năm 2022, Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến từng cam kết lộ trình trả nợ gốc trái phiếu cho trái chủ. Trong đó, ngày 10/10/2022, Đức Tiến gửi văn bản đến nhà đầu tư về việc gia hạn thời gian thanh toán tiền gốc trái phiếu. Công ty khẳng định không chậm hơn ngày 25/11/2022, Đức Tiến sẽ chi trả đủ 30% tiền gốc trái phiếu và lãi phạt tương ứng với 18%/năm kể từ ngày 15/10/2022.

Đối với 70% tiền gốc trái phiếu còn lại, Công ty cho biết trước ngày 24/12/2022 sẽ trả đủ cộng với lãi phạt còn lại tương ứng 18%/năm tính từ ngày 15/10/2022.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến có địa chỉ tại 66 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM; hoạt động chính trong lĩnh vực buôn bán kim loại và quặng kim loại (cụ thể: mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ; bán buôn bạc và kim loại quý khác (trừ mua bán vàng miếng)); được thành lập ngày 14/5/2004; và người đại diện pháp luật là Nguyễn Đình Thục.

Tên gọi của Công ty bắt nguồn từ tên của nhà sáng lập ông Ngô Đức Tiến (sinh năm 1962).

Ngoài ra, theo dữ liệu từ HNX, Công ty cổ phần Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục