Đòi hỏi bức bách
Trước khi thực hiện Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, cũng như Nghị định 60/2015 về sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, IPO gần như tách biệt so với hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. “Kiểu làm này chỉ có ở Việt Nam”, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận.
Hệ quả của cách làm “kiểu Việt Nam” là đến nay trong số hàng nghìn công ty đại chúng chưa lên sàn, có rất nhiều DN đã IPO cách đây nhiều năm. Điều này khiến giới đầu tư bức xúc vì sau khi mua cổ phần trong đợt IPO, họ không biết giao dịch cổ phiếu ở đâu, quyền lợi của cổ đông hậu IPO không được đảm bảo, DN hoạt động kém minh bạch...
Điển hình như mới đây, thêm một lần nữa, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề xuất thúc đẩy nhanh việc niêm yết đối với Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) sau hơn 8 năm cổ phần hóa (CPH).
“Cần chấm dứt ngay tình trạng trốn niêm yết tại Sabeco và Habeco, để cải thiện quản trị DN, đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng cho phát triển TTCK. Tại sao lại có tình trạng này? Có phải những người quản lý vốn tại Sabeco và Habeco không thích minh bạch, hay do lợi ích cục bộ?”, VAFI đặt câu hỏi và nhìn nhận, cách đây hơn 10 năm, Sabeco là DN lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk, nhưng nay lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco…
Việc có thêm giải pháp để gắn chặt hơn nữa IPO với lên sàn không chỉ giải quyết lượng DN “tồn kho” chưa lên sàn do bất cập của cơ chế trước đây, mà còn là đòi hỏi bức bách trong thời gian tới, khi số lượng DN IPO còn lớn. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ CPH khoảng 250 - 280 DN (chưa kể lượng bổ sung theo tiêu chí mới sắp ban hành).
Giải pháp mới
Để gắn IPO với lên sàn, thời gian qua, nhà quản lý thiên về đưa ra các quy định buộc DN IPO thực hiện. Tuy nhiên, điểm mới của giải pháp mà Bộ Tài chính đang hoàn thiện là thúc đẩy Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) vào cuộc nhằm đơn giản hóa thủ tục cho DN để thuận lợi hơn khi gắn IPO với lên sàn.
Cụ thể, tại dự thảo sửa đổi Thông tư 196/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ CPH của các DN 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các thành viên thị trường đã bổ sung nội dung mới về đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần trúng đấu giá tại Sở GDCK.
Theo đó Sở GDCK Hà Nội (HNX) và VSD thực hiện đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cho số cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán. Đối với số cổ phần bán cho các cổ đông chiến lược, người lao động trong DN CPH, số cổ phần tương ứng với phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, thì thực hiện đăng ký, lưu ký, đăng ký giao dịch bổ sung theo quy định pháp luật về chứng khoán.
VSD thực hiện lưu ký số cổ phần của NĐT vào tài khoản giao dịch của NĐT tại Đơn đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần. Trường hợp không có tài khoản giao dịch tại đơn này, NĐT sử dụng Thông báo kết quả đấu giá cổ phần và Phiếu nộp tiền để thực hiện lưu ký cổ phần tại thành viên lưu ký. Thành viên lưu ký có nghĩa vụ tái lưu ký cổ phần của khách hàng tại VSD.
Một lãnh đạo Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết, việc tích hợp hồ sơ IPO với hồ sơ đăng lý lưu ký cổ phiếu tại VSD và hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK như trên, sẽ tiết giảm đáng kể thủ tục và thời gian cho DN. Qua đó, gắn IPO các DNNN chặt hơn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên UPCoM. Bộ Tài chính đang tiếp thu ý kiến các bên liên quan, để ban hành và sớm đưa vào áp dụng quy định mới này.
Cùng với giải pháp trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, lần đầu tiên UBCK đề xuất bổ sung chế tài với mức phạt từ 100 - 150 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn, đang mang lại kỳ vọng, tình trạng DN “trốn” hoặc chậm trễ lên sàn sẽ dần được khắc phục.
Liên quan đến trách nhiệm của Ban chỉ đạo CPH trong minh bạch thông tin DN IPO, điểm mới của dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 196/2011 là DN thực hiện công bố (hoặc cung cấp cho tổ chức thực hiện bán đấu giá) thông tin đầy đủ, chính xác về DN trước khi bán cổ phần theo quy định.
Trường hợp sử dụng danh sách người sở hữu cổ phần trúng đấu giá để tổ chức ĐHCĐ lần đầu, Ban chỉ đạo CPH phải nêu rõ trong bản công bố thông tin của DN đấu giá. Trường hợp không sử dụng danh sách này để tổ chức ĐHCĐ lần đầu, thì DN CPH thực hiện chốt danh sách theo quy định của pháp luật hiện hành.