Ngày 6/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ Tài chính về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao và việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không đồng bộ, không hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương 5 thành tựu nổi bật của ngành tài chính, đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ hơn về 7 vấn đề và có giải pháp triển khai thực hiện.
Cũng theo Tổ trưởng Tổ công tác, từ 1/1/2017 đến nay, Bộ Tài chính được giao nhiều nhiệm vụ nhất so với các bộ, cơ quan, địa phương, với 1.567 nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất khó, rất phức tạp, liên quan nhiều bộ ngành.
Bộ báo cáo đã hoàn thành 1.340 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 227 nhiệm vụ, trong đó có 213 nhiệm vụ trong hạn và 14 nhiệm vụ quá hạn (tỉ lệ thấp so với bình quân chung).
Theo giải trình của Bộ Tài chính, các nhiệm vụ quá hạn gồm 9 nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật gồm 6 nghị định triển khai Luật Quản lý nợ công, Bộ đang phối hợp với Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, bảo đảm trình Chính phủ ban hành trong tháng 4/2018;
1 nghị định về hóa đơn đang được Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành để hoàn thiện, xin ý kiến thẩm định Bộ Tư pháp.
Còn các nhiệm vụ trong các văn bản mật chưa hoàn thành đúng hạn là các nhiệm vụ có nội dung phức tạp, có tác động rộng, cần phải xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Qua rà soát, Bộ Tài chính có 370 điều kiện kinh doanh, đề nghị bãi bỏ 99 điều kiện, đơn giản hóa 89 điều kiện, tổng số điều kiện đề nghị cắt giảm và đơn giản hóa đạt 50,8%.
Trên cơ sở phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất, kiến nghị sửa đổi 5 luật và 11 nghị định. Với các nghị định, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu phương án sửa đổi, trình Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm trước ngày 30/6 năm nay.
Với các luật, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật theo quy định trước 30/6.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hà Chính
Còn nhiều vướng mắc chậm được xử lý
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều đánh giá rất cao Bộ Tài chính trong việc tiên phong đổi mới, cải cách. Qua đó, đã đạt được những kết quả cụ thể, được các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Một ví dụ là theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã có cải thiện vượt bậc, tăng 81 bậc, từ vị trí 167 lên vị trí 86/190 nền kinh tế.
Các hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị hàng loạt vấn đề với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, với nhiều vấn đề, Bộ Tài chính đã tích cực lắng nghe doanh nghiệp và ngay lập tức có ý kiến, nhưng các bộ liên quan lại chưa kịp thời trong việc xử lý.
Một ví dụ rất đáng chú ý là phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, lên tới khoảng 700.000 đồng mỗi lần, theo các doanh nghiệp là quá cao.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi container nguyên liệu có thể được thu mua từ hàng chục tàu cá, nhưng với mỗi tàu cá lại cần một giấy xác nhận và một lần nộp phí. Quy định này tạo chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phản ánh trên thực tế, cơ quan quản lý (thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn) chỉ việc ký và đóng dấu.
Mức phí quá cao này khiến không ít người tham gia cuộc họp bất ngờ. Theo ông Nam, phía Bộ Tài chính đã đồng ý sửa, nhưng phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa thông.
Tương tự, theo ông Nam, mặc dù Bộ Tài chính đã đồng ý phải thay đổi quy định về phí xả thải của doanh nghiệp, nhưng phía Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đồng ý. “Bộ Tài chính đã có 4 văn bản đề nghị, nhưng cho tới nay các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện như không có chuyện gì xảy ra”, ông Nam cho biết.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Chứng khoán nêu một bất cập khá “tréo ngoe” về tỉ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng. Hiện, pháp luật cho phép với công ty đại chúng, trừ một số trường hợp, tỉ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.
Thế nhưng trên thực tế, các cơ quan chức năng lại đang vận dụng quy định trên theo hướng mặc định tỉ lệ sở hữu nước ngoài chỉ là 49%, chỉ khi nào công ty có hẳn một quyết định thì tỉ lệ sở hữu mới được nâng lên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hà Chính
Trăn trở của Bộ trưởng Tài chính
Cách hiểu và vận dụng này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, là không đúng. Mà ngược lại, phải mặc định là không hạn chế, nếu điều lệ công ty có quy định thì mới hạn chế.
Sau khi lắng nghe đại diện Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế… giải trình cụ thể về từng vấn đề Thủ tướng yêu cầu, Tổ công tác và các hiệp hội đề cập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp là chính xác, như vấn đề phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản.
Bộ trưởng cho biết ngành tài chính đã làm được một số việc nhưng cần tiếp tục cố gắng hơn. Hôm nay, Bộ tiếp tục nêu rõ quyết tâm và các cam kết cải cách. Với những vấn đề Thủ tướng lưu ý, Bộ đều đặt kế hoạch với công việc và thời hạn cụ thể.
Tuy nhiên, thành công của cải cách trong nhiều trường hợp phụ thuộc vào chuyển động đồng bộ từ phía các bộ, cơ quan, Bộ trưởng giãi bày. “Như vấn đề cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 1,9 lần so với GDP, nếu không cải cách được thì đây sẽ là điểm nghẽn của nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ủng hộ hoàn toàn 7 gợi ý của Thủ tướng, Bộ trưởng báo cáo thêm về 3 nội dung. Theo đó, Bộ sẽ tích cực hơn trong tham gia các hội nghị mang tính chất chiến lược tầm quốc gia do Thủ tướng chủ trì, nhất là các hội nghị về đổi mới, cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp; về phát triển thị trường tài chính; về cơ chế một cửa quốc gia…
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành khác. “Các loại phí dù Bộ Tài chính ban hành như trên cơ sở ý kiến của các bộ khác, mà một số bộ vẫn “ôm” các loại phí”, Bộ trưởng cho biết.
Về việc xây dựng, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, Bộ đã làm một bước dài nhưng sẽ đẩy mạnh hơn thời gian tới. Bộ trưởng cho biết về bộ máy của thuế, hải quan, kho bạc, Bộ đã họp nhiều lần và trong tuần tới sẽ quyết định.
“Cục Hải quan tỉnh Điện Biên hiện đang phụ trách 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La nhưng năm ngoái chỉ thu có 16 tỷ tiền thuế, có nên đưa thành chi cục không? Hay 713 chi cục thuế sẽ hướng tới cắt bỏ một nửa. Với ngành kho bạc, sẽ giữ các kho bạc cấp huyện, nhưng bỏ các phòng giao dịch của kho bạc cấp tỉnh. Trong điều kiện đang hiện đại hóa thuế, hải quan, điện tử hóa, chúng tôi đã nhận thức rất rõ vấn đề này”, Bộ trưởng cho biết.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết Bộ đã báo cáo, giải trình hết sức cụ thể. Bộ cũng đã giải trình rất rõ về các nhiệm vụ quá hạn. “Có thể nói là một báo cáo điển hình mà Tổ công tác nhận được sau 48 cuộc kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Tổ công tác ghi nhận những đổi mới, sáng tạo của Bộ Tài chính, trong việc quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, áp dụng các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế… Những đóng góp của ngành tài chính và Bộ Tài chính là rất tích cực cho thành tựu chung của đất nước.
Đánh giá Bộ Tài chính đã làm sớm, đặt vấn đề chính xác trong rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Tổ công tác đề nghị Bộ tiếp tục rà soát, cắt bỏ những gì phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp, theo tinh thần cắt giảm thực chất, mạnh mẽ hơn nữa đúng như cam kết của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
“Tuy nhiên, rất mong Bộ cũng trả lời sớm các ý kiến của các bộ ngành trong nhiều vấn đề”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng đánh giá các đề xuất, kiến nghị của Bộ Tài chính rất trúng, rõ ràng và tiếp thu toàn bộ các kiến nghị này để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.