Có tình trạng độc quyền trong phân phối bảo hiểm tàu cá không, có hiện tượng trục lợi bảo hiểm với lĩnh vực này không…?
Đó là những câu hỏi báo giới đặt ra cho lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, tại cuộc họp báo chuyên đề về thị trường bảo hiểm, diễn ra chiều nay (8/8), do Bộ Tài chính tổ chức.
Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm
Ông Huyền cho biết, căn cứ Nghị định 67/2014 về bảo hiểm tàu cá, Bộ Tài chính ban hành các tiêu chí mà doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng để được cung cấp sản phẩm bảo hiểm tàu cá. Vì lĩnh vực bảo hiểm này rủi ro lớn, do giá trị thuyền khá lớn, đánh bắt xa bờ, thường xuyên đối mặt với bão, nên để được tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm tàu cá, các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu khá cao về năng lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động, có mạng lưới phân phối rộng…
“Trên cơ sở tiêu chí trên, cũng như từ thực tế hồ sơ doanh nghiệp đề xuất được tham gia cung cấp sản phẩm bảo hiểm tàu cá, chỉ có 4 công ty đủ điều kiện tham gia lĩnh vực này gồm: Bảo Việt, PVI, Pjico và Bảo Minh…”, ông Huyền nói.
Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp triển khai sản phẩm bảo hiểm tàu cá trên các địa bàn, đồng chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm và đền bù cho nông nhân, chứ không có chuyện có 1 doanh nghiệp được phân phối sản phẩm bảo hiểm tàu cá tại một tỉnh như thông tin phản ánh.
“Không có chuyện 1 tỉnh chỉ có một nhà bảo hiểm, nếu ai phát hiện tình trạng độc quyền này, thì mong cung cấp thông tin cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Cho đến giờ Bộ Tài chính không ban hành văn bản yêu cầu mỗi địa phương chỉ được cho 1 nhà bảo hiểm hoạt động…”, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính cho biết thêm.
Việc bộ đội biên phòng tại sao không ngăn tàu cá khi nhân sự trên tàu không có bằng máy trưởng ra khơi đánh bắt không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, nên không thể trả lời…
Trả lời câu hỏi, giá trị tàu cá không lớn, khoảng từ trên 7 tỷ đồng, vậy tại sao Bộ Tài chính lại áp dụng cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa 4 công ty bảo hiểm, mà không để cho từng doanh nghiệp khai thác, để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh?
Ông Huyền cho rằng, nói giá trị tàu cá không lớn là chưa hoàn toàn chuẩn xác, vì chẳng may một cơn bão ập đến, mà khiến hàng trăm, hàng nghìn tàu bị chìm, thì giá trị thiệt hại là rất lớn. Khi đó một doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khó đảm bảo bồi thường được thiệt hại cho ngư dân.
Một vấn đề “nóng” khác được nêu ra là tại sao Bộ Tài chính lại đặt ra yêu cầu các thuyền phải có nhân sự có bằng máy trưởng, mới được tham gia bảo hiểm tàu cá, trong khi có những thuyền không đáp ứng yêu cầu này, nhưng vẫn được doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm (bán không đúng đối tượng), nhưng đến khi ra khơi chẳng may bị tai nạn, thì truy lại thông tin, nhân sự trên tàu không có bằng máy trưởng, nên không được bồi thường? Để tránh thiệt thòi này cho ngư dân, tại sao cơ quan chức năng không kiểm soát chặt những thuyền nào không có bằng máy trưởng, kể cả đã có mua bảo hiểm, thì không được ra khơi?
Ông Huyền cho hay, điều kiện tàu phải có bằng máy trưởng không phải Bộ Tài chính đặt ra, mà xuất phát từ quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Đây là một trong những tiêu chí để phân định đối tượng nào thì được tham gia bảo hiểm tàu cá.
“Việc bộ đội biên phòng tại sao không ngăn tàu cá khi nhân sự trên tàu không có bằng máy trưởng ra khơi đánh bắt không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính, nên không thể trả lời…”, ông Huyền nói.