Bảo hiểm tàu cá, thách thức trước yêu cầu của Nghị định 67

(ĐTCK) Báo cáo tại Hội nghị CEO khối bảo hiểm phi nhân thọ mới đây, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo Minh cho biết, bảo hiểm tàu cá bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhất định, tuy nhiên số lượng tàu cá và thuyền viên được bảo hiểm vẫn còn khá nhỏ so với thực tế.
Hiện mới chỉ có 33,57% trong tổng số 28.000 tàu cá (bao gồm các tàu dự kiến đóng mới) tham gia bảo hiểm Hiện mới chỉ có 33,57% trong tổng số 28.000 tàu cá (bao gồm các tàu dự kiến đóng mới) tham gia bảo hiểm

33,57% tàu cá đã được bảo hiểm

Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; đồng thời hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. 4 doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu là Bảo Việt, Bảo Minh, PJCO, PVI được chỉ định tham gia chương trình.

Với sự hỗ trợ như vậy, theo ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo Minh cho biết, sau gần 1 năm triển khai chính sách bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014, tổng số tàu tham gia bảo hiểm đã đạt 9.400 tàu, tổng số phí bảo hiểm thân tàu là 169,65 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ là 144 tỷ đồng. Tổng số thuyền viên tham gia bảo hiểm là 83.600 người, tổng số phí bảo hiểm thuyền viên là 25 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ).

Tổng số tiền đối với Chương trình đã chi trả trong gần 1 năm qua đạt 15,5 tỷ đồng, dự phòng bồi thường là 33 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 27/7/2015, Bảo Minh và các công ty thành viên của các doanh nghiệp đồng bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt, PJICO và Bảo hiểm PVI, dưới sự chứng kiến của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đã trao số tiền bồi thường 2,7 tỷ đồng cho chủ tàu cá QNg 97206TS bị tổn thất toàn bộ.

Khoản bồi thường này ngoài khẳng định cam kết và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với ngư dân mua bảo hiểm, còn là nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ chủ tàu khôi phục lại hoạt động khai thác hải sản xa bờ.

Tuy nhiên, theo ông Thành, mặc dù bảo hiểm tàu cá và thuyền viên theo Nghị định 67/NĐ-CP đã có bước tiến tích cực, nhưng hiện mới chỉ có 33,57% trong tổng số 28.000 tàu cá (bao gồm các tàu dự kiến đóng mới) và 27,87% trong tổng số 300.000 thuyền viên tham gia bảo hiểm theo Chương trình.

Thấp do đâu?

Nguyên nhân tỷ lệ tham gia bảo hiểm tàu cá còn thấp được ông Thành chỉ ra, là do tại nhiều địa bàn, công tác phối hợp giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan hữu quan tại địa phương trong tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, nên một bộ phận lớn ngư dân chưa ý thức được quyền lợi khi tham gia bảo hiểm theo chương trình.

Ngoài ra, theo ông Thành, tại một số địa phương, vẫn xảy ra tình trạng các ngân hàng ép các chủ tàu cá vay tiền tại ngân hàng mình phải mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không nằm trong nhóm 4 doanh nghiệp bảo hiểm được phép thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67/2014. Điều này làm cho các ngư dân không được hưởng chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước.

“Trong khi đó, một số đơn vị thành viên của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình hỗ trợ này lại không mặn mà triển khai, mà vẫn khuyến khích ngư dân tham gia bảo hiểm ngoài chương trình để không phải đồng bảo hiểm với các doanh nghiệp khác”, ông Thành cho biết.

Bảo hiểm tàu cá, thách thức trước yêu cầu của Nghị định 67 ảnh 2

 Ông Lê Văn Thành

Thủ tục xác nhận đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm tại các địa phương còn chậm và không đồng bộ (bao gồm cả việc thành lập các tổ đội hợp tác xã khai thác thủy sản) cũng là yếu tố khiến tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại chương trình này còn thấp.

Ngoài ra, còn một nguyên do khác, theo 4 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình này, đó là có sự chồng chéo về chính sách khi tồn tại cùng lúc 2 chương trình bảo hiểm liên quan đến thủy sản (theo Nghị định 67/2014 và Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ) với chính sách hỗ trợ, điều kiện bảo hiểm, hoa hồng khác nhau…

“Tại một số địa phương, đã có tình trạng các cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân tham gia bảo hiểm theo Quyết định 48 có mức hỗ trợ phí bảo hiểm thấp hơn, nhưng hoa hồng cao hơn so với mua bảo hiểm theo Nghị định 67”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

"Cần phải có thêm quy định phù hợp cho mức khấu hao, chẳng hạn như quy định tối đa là 50% số tiền bồi thường" - Ông Lê Văn Thành.

Trong khi đó, các dự án đóng tàu mới được vay tiền theo chương trình hầu như không giải ngân được do quy trình tín dụng quá phức tạp và "yêu cầu quá cao". Do vậy, hơn 2.000 tàu dự kiến đóng mới theo chương trình hầu như chưa thực hiện được. Chưa kể, trong quá trình triển khai loại hình bảo hiểm này các doanh nghiệp còn gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc khai thác bảo hiểm, giải quyết bồi thường, vấn đề giải ngân của các địa phương và chính sách thuế cũng như các bất cập trong quy tắc điều khoản.

Cụ thể, về quy tắc điều khoản theo quy định tại Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá theo Nghị định 67, đối tượng bảo hiểm là “vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị dùng để bảo quản, chế biến thủy sản…” và điều khoản bảo hiểm ngư lưới cụ cũng mới chỉ quy định đối tượng bảo hiểm là “ngư lưới cụ trên tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ…”, mà không hề đề cập đến trang thiết bị đánh bắt hải sản (như máy tầm ngư, thiết bị bảo quản và chế biến hải sản…). Trong khi đó, do yêu cầu của ngư dân, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phải đưa các trang thiết bị này vào đối tượng bảo hiểm của ngư lưới cụ.

Liên quan đến khấu hao tài sản khi bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết, hiện quy tắc bảo hiểm thân tàu quy định “số tiền khấu hao được tính là 5% số tiền bồi thường/năm và được tính từ năm thứ tư trở đi”. Thế nhưng, việc áp dụng quy định khấu hao này đã gặp phản ứng tiêu cực từ ngư dân, vì hiện nay đa số  tàu cá đã cũ, nên số tiền bồi thường sau khi khấu hao còn lại rất ít, thậm chí các tàu từ 24 tuổi trở lên sẽ không còn được bồi thường bộ phận đã khấu hao hết.

“Cần phải có thêm quy định phù hợp cho mức khấu hao, chẳng hạn như quy định tối đa là 50% số tiền bồi thường”, ông Thành đề xuất.

Quyết tâm vượt thách thức

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thủy sản đã và đang đạt được những kết quả khả quan về doanh thu tài chính cũng như giúp ngư dân hiểu rõ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người dân và tài sản của ngư dân trong khi bám biển sản xuất.

“Từ khi ban hành chính sách bảo hiểm thủy sản của Chính phủ theo Nghị định 67, tinh thần yêu nước, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền dân tộc trong đại bộ phận ngư dân càng tăng lên. Ngày càng nhiều chuyến tàu không ngại khó khăn nguy hiểm các vùng biển của tổ quốc”, ông Thành nói.

4 doanh nghiệp bảo hiểm cũng bày tỏ hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hơn nữa từ các cơ quan hữu quan, các địa phương để thực hiện tốt hơn việc triển khai chính sách bảo hiểm thủy sản nhằm giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và an ninh quốc gia.

Ghi nhận từ Bộ Tài chính cho thấy, cơ quan này đánh giá cao sự nỗ lực của 4 doanh nghiệp bảo hiểm trong việc triển khai chương trình bảo hiểm tàu cá, cũng như động thái tích cực trong giải quyết bồi thường bảo hiểm, điển hình là vụ bồi thường 2,7 tỷ đồng kể trên.

Bên cạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục khẩn trương xem xét, giải quyết bồi thường cho các chủ tàu, thuyền viên bị thiệt hại khác, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ cùng với các cơ quan hữu quan xem xét đề xuất của các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến quy tắc điều khoản.

Lan Kim

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục