30.428 thuyền viên được bảo hiểm
Sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có hơn 10 văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách: tín dụng, hỗ trợ đầu tư, bảo hiểm, ưu đãi thuế, cấp bù lãi suất; phân bổ số lượng tàu, thuyền cụ thể cho từng khu vực. Công tác triển khai chính sách phát triển thủy sản đã được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, từ các bộ, ban, ngành đến các doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, Bảo hiểm PVI và Vinare.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 67 do Văn phòng Chính phủ tổ chức cuối tháng 4/2015, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tổng số phí bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đạt 46,2 tỷ đồng; tổng số tiền bảo hiểm là 2.983,6 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 1.837 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 23.604 thuyền viên.
Kết quả này có sự cải thiện đáng kể so với số liệu được Cục này tổng hợp trước đó 2 tháng, nhất là về số lượng thuyền viên được bảo hiểm. Cụ thể, 2 tháng trước đó, chỉ có 12.876 thuyền viên được bảo hiểm, với tổng số tiền bảo hiểm là 898 tỷ đồng; có 1.057 tàu được bảo hiểm, với tổng giá trị được bảo hiểm là 752 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá, thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 cho thấy đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ cho ngư dân cả về con người và tài sản để yên tâm bám biển, phát triển hoạt động khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, báo cáo tổng hợp cho thấy, số lượng tàu và thuyền viên tham gia bảo hiểm chưa nhiều, mới chiếm 6,4% tổng số tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên; công tác triển khai còn chưa sâu rộng, tích cực, công tác chỉ đạo của các huyện xuống các xã chưa cụ thể…
Về con số 6,4% số tàu tham gia bảo hiểm, một số ý kiến đánh giá, đây là kết quả ban đầu đáng ghi nhận, tạo đà phát triển cho thời gian triển khai tới (cập nhật số liệu mới nhất, hiện có 30.428 thuyền viên đã được bảo hiểm, 2.555 tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, tổng số tiền bảo hiểm là 6.309 tỷ đồng, tổng số phí bảo hiểm là 63,1 tỷ đồng).
Đề xuất giải pháp đẩy mạnh bảo hiểm thủy sản
Tại hội nghị nêu trên, ngoài đề xuất chung cho 28 tỉnh, thành đang triển khai sản phẩm bảo hiểm thủy sản theo Nghị định 67 là phải phối hợp chặt chẽ giữa các bên như ngư dân, hiệp hội nghề cá, các bộ, ngành, địa phương, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm, thì đề xuất riêng cho các tỉnh, thành cũng được đưa ra, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Các đề xuất riêng tập trung vào những địa phương có lợi thế về thủy sản như Kiên Giang, Khánh Hòa, Thái Bình, Hải Phòng... Tại Khánh Hòa, trong năm 2014, tổng sản lượng thủy sản khai thác cho tất cả các loại tàu thuyền đạt 90.394 tấn; hiện toàn tỉnh có 9.792 phương tiện đánh bắt, trong đó có 1.200 chiếc công suất từ 90 CV trở lên khai thác xa bờ.
Với TP. Hải Phòng, giải pháp được đưa ra là tiếp tục quan tâm triển khai bảo hiểm tai nạn thuyền viên và tập trung vào nhiệm vụ trọng điểm năm 2015 là đầu tư xây dựng các cảng cá lớn, đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho ngư dân.
Với tỉnh Kiên Giang, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm chính sách lớn theo Nghị định 67 như: chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi thuế, chính sách bảo hiểm…
Được xem là tỉnh chủ động trong phát triển thủy sản, đóng góp đáng kể trong việc hỗ trợ ngân sách để thực hiện các chính sách về phát triển thủy sản, Thái Bình được đề nghị rà soát các công việc trong thời gian tới và tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương để thúc đẩy phát triển thủy sản hơn nữa.
Một số vụ tổn thất tàu cá đang được các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám định thiệt hại, xác định phạm vi bảo hiểm, để xem xét, giải quyết bồi thường. Do triển khai ngay sau chương trình tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nên bài học về lỗ nghiệp vụ tại chương trình này vì tình trạng trục lợi bảo hiểm khiến các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm thủy sản tăng cường khả năng phòng ngừa trục lợi. |