Báo cáo về thực hiện Nghị quyết chất vấn gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, tổng số tiền nợ thuế tới hết tháng 3 là 82.972 tỷ đồng, tương đương trên 3,5 tỷ USD. Con số này tăng gần 9%, hơn 6.640 tỷ đồng, so với cách đó 3 tháng.
Đến hết năm ngoái, cơ quan thuế đã thu được 7.450 tỷ đồng, bằng 19,2% nợ đến 90 ngày và nợ trên 90 ngày.
35,2% dư nợ thuế được Bộ Tài chính đánh giá là "có khả năng thu hồi". 19,4% là nợ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và chậm nộp thuế. Còn lại 45,5%, tương đương 37.640 tỷ đồng, là nợ không có khả năng thu hồi.
Nợ không có khả năng thu hồi rơi vào các trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc doanh nghiệp đã giải thể...
Như trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản, cơ quan thuế đã cùng chính quyền địa phương xác minh thông tin người nộp thuế và thông báo cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.
Mặt khác, theo quy định của Luật Quản lý thuế, tiền phạt chậm nộp 0,03% một ngày trên số tiền thuế chậm nộp, không phân biệt người nộp thuế có thuộc đối tượng "không thể thu nợ" hay không.
Quy định này dẫn đến hiện nay khoản chậm nộp thuế tính trên số nợ không còn khả năng thu hồi tăng, trong khi các khoản nợ gốc này đã không thể đòi.
"Việc tính tiền chậm nộp thuế này đã làm tăng số nợ khó đòi trên sổ sách theo dõi, tạo áp lực cho cơ quan quản lý thuế", Bộ Tài chính nhận xét.
Nguyên nhân nữa được báo cáo nêu là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gặp khó khăn chưa nộp kịp thời, do các dự án có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, gặp vướng mắc chờ giải phóng mặt bằng, đền bù... nên chưa có khả năng nộp.
Tuy nhiên, theo quy định, cơ quan thuế tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, trong quý I/2019, số nợ thuế tăng là do một số người nộp thuế kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân nhưng chây ì không nộp thuế đúng hạn.