Bổ sung thiết bị phòng, chống dịch bệnh vào danh mục hàng dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nhóm hàng “vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, bệnh cho người” vào Danh mục Hàng dự trữ quốc gia. “Đây là việc làm cần thiết, cấp bách để không chỉ ứng phó với đại dịch Covid-19, mà còn để ứng phó với dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai”, ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước chia sẻ.
Ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước. Ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước.

Đại dịch Covid-19 đã hoành hành trong nhiều tháng, bây giờ mới đề nghị bổ sung mặt hàng vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, bệnh cho người vào Danh mục Hàng dự trữ quốc gia. Thưa ông, liệu có quá muộn không?

Thủ tướng nhắc lại nhiều lần là “chống dịch như chống giặc”, nên không thể có sự chậm trễ, sai lầm, chủ quan, nếu không thì cái giá phải trả vô cùng đắt đỏ. Vì vậy, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế sử dụng nguồn chi thường xuyên từ dự phòng ngân sách trung ương để trang bị, mua sắm vật tư, thiết bị y tế phục vụ nhiệm vụ số một bây giờ là đẩy lùi và tiến tới loại bỏ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dịch bệnh không thể dự báo trước, nên để chủ động trong phòng chống dịch bệnh trong tương lai, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, bệnh cho người vào Danh mục Hàng dự trữ quốc gia. Vẫn biết, dự phòng vật tư, thiết bị, máy móc thì phải mất chi phí bảo quản, duy tu và bị mất giá, lỗi thời do sự phát triển của khoa học - công nghệ. Nhưng sức khoẻ, tính mạng của người dân là trên hết, nên không thể tính toán về tài chính trong trường hợp này.

Thực tế đã và đang chứng minh, những nước giàu có như EU, Hoa Kỳ… có thừa tiền để mua vật tư, thiết bị y tế để đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu, hậu quả là hàng chục ngàn người đã không có cơ hội cứu chữa.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn những nhóm đối tượng vô cùng khó khăn không nằm trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Vậy có sử dụng dự trữ quốc gia để hỗ trợ?

Với những trường hợp này, ngân sách địa phương sẽ tổ chức hỗ trợ gạo. Trong trường hợp ngân sách địa phương không bảo đảm được, sẽ tổng hợp số hộ gia đình, cá nhân bị thiếu đói gửi lên trung ương và ngay khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xuất cấp gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay.

Các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ được cấp trực tiếp bằng tiền mặt, sao không hỗ trợ những đối tượng phải cứu đói bằng tiền mặt, thưa ông?

Khi xây dựng Danh mục hàng hoá dự trữ quốc gia, có ý kiến cho rằng, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nên không cần thiết phải dự trữ lương thực, mà khi cần thì có thể đi mua để hỗ trợ hoặc phát tiền cho đối tượng được hỗ trợ đi mua. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn quyết định dự trữ thóc tẻ, gạo tẻ, vì đây là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách, nếu không dự trữ, thì khi cần kíp không thể xuất cấp kịp thời.

Trong trường hợp đột xuất, cấp bách do thiên tai, dịch bệnh, gạo thường tăng giá đột biến hoặc thiếu cục bộ. Nếu phát tiền cho người cần hỗ trợ, thì họ không mua đủ số lượng gạo cần thiết, không mua được gạo bảo đảm chất lượng, thậm chí không mua được. Vậy nên, với những hộ gia đình, cá nhân bị thiếu đói, vẫn cần phải hỗ trợ lương thực trực tiếp, bảo đảm không một ai bị đói.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, thưa ông, làm thế nào để bảo đảm không người dân nào bị đói?

Khi Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp gạo để cứu đói, chúng tôi đều thực hiện ngay và chưa bao giờ để bất cứ người dân nào thuộc đối tượng hỗ trợ gạo trực tiếp của Chính phủ bị thiếu đói theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua cao hơn để dự trữ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách. Chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện theo đúng yêu cầu, bảo đảm không để người dân nào bị đói cơm, đứt bữa do thiên tai, lũ lụt, bão tố, dịch bệnh.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục