Sau những lo ngại, cuối cùng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng chính thức bắt đầu kể từ 0h ngày 6/7/2018 - thời gian Mỹ áp thuế 25% với hàng giá nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đáp trả tương tự như thế.
Tuy nhiên, bất chấp cuộc chiến thương mại gây lo sợ trong suốt thời gian qua, nhưng khi nó chính thức diễn ra, giới đầu tư lại tỏ ra bình tĩnh rót tiền vào chứng khoán.
Cụ thể, trong phiên cuối tuần qua, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng điểm, trong đó S&P 500 và Nasdaq lên mức cao nhất 2 tuần.
Phố Wall tăng điểm trong phiên cuối tuần nhờ dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh mẽ, bù đắp cho những tổn thất có thể xảy ra từ cuộc chiến thương mại.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 6, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ tạo thêm 213.000 việc làm, cao hơn nhiều so với con số kỳ vọng 195.000 việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên mức 4%, từ mức thấp nhất 18 năm là 3,8% trong tháng 5 và tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,2%. Sự tăng trưởng tiền lương vừa phải đã làm giảm áp lực về nỗi lo lạm phát.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Dow Jones tăng 99,74 điểm (+0,41%), lên 24.456,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,21 điểm (+0,85%), lên 2.759,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 101,96 điểm (+1,34%), lên 7.688,39 điểm.
Những hồi hồi phục mạnh trong tuần qua đã giúp phố Wall có tuần tăng điểm đầu tiên sau chuỗi 2 - 3 tuần giảm liên tiếp trước đó. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 0,76% sau 3 tuần giảm liên tiếp, chỉ số S&P 500 tăng 1,52% và Nasdaq tăng 2,37% sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau khi có phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu do đồng euro tăng sau dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ, đã đồng loạt quay đầu đảo chiều trong ít phút cuối phiên và đóng cửa trong sắc xanh.
Việc thị trường tăng điểm bất chấp cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra được giới phân tích cho rằng, đó là do hiệu ứng “bán tin đồn, mua khi có tin chính thức”.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,48 điểm (+0,19%), lên 7.617,70 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 31,88 điểm (+0,26%), lên 12.496,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 9,45 điểm (+0,18%), lên 5.375,77 điểm.
Chứng khoán châu Âu có sự trái chiều trong tuần qua. Trong khi chỉ số FTSE 100 tiếp tục giảm 0,25%, thì chỉ số DAX đảo chiều tăng 1,55% và chỉ số CAC 40 đảo chiều tăng 0,98% sau 2 tuần giảm liên tiếp của 2 chỉ số này.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, giới đầu tư lại có một sự bình tĩnh đến ngạc nhiên khi vẫn xuống tiền bắt đáy, bất chấp chỉ còn vài giờ nữa là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Sự bình tĩnh này giúp các thị trường chứng khoán chính của châu Á hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 6/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 241,15 điểm (+1,12%), lên 21.788,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 133,53 điểm (+0,47%), lên 28.315,62 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,35 điểm (+0,49%), lên 2.747,23 điểm.
Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Á vẫn không tránh được tuần giảm điểm tiếp theo, thậm chí đà giảm còn mạnh hơn tuần trước. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 2,32%, chỉ số Hang Seng có tuần giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm 2,21% và chỉ số Shanghai Composite có tuần giảm thứ 7 liên tiếp với mức giảm 3,52%.
Trên thị trường vàng, bất chấp đồng USD giảm mạnh trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng cũng không có đủ động lực để đi lên do bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên 6/7, giá vàng giao ngay giảm 2,8 USD (-0,22%), xuống 1.254,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 2,9 USD (-0,23%), xuống 1.255,9 USD/ounce.
Sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá vàng đã đảo chiều hồi phục nhẹ trở lại trong tuần qua. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,17% và giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 0,14%.
Dù điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với việc lấy lại đà tăng, cùng với việc đồng USD giảm và được dự báo sẽ còn giảm tiếp, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều có cái nhìn lạc quan trở lại với xu hướng của giá vàng sau khi có cái nhìn tiêu cực trong tuần trước đó.
Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, có 11 người, chiếm 69% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn rất nhiều so với mức 20% của tuần trước, trong khi chỉ có 3 người, tương đương 19% dự báo sẽ giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều so với con số 53% của tuần trước và 2 người, chiếm 12% dự báo giá sẽ đi ngang.
Tương tự, trong 808 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 449 người, chiếm 56% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn so với mức 46% của tuần trước; 231 lượt người, chiếm 29% dự báo giảm, thấp hơn so với mức 35% của tuần trước và 128 lượt người, chiếm 16% có quan điểm trung tính.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu có sự trái chiều nhau trong phiên cuối tuần. Trong khi giá dầu thô Mỹ tăng tăng trở lại sau phiên giảm trước đó, thì giá dầu thô Brent tiếp tục giảm do cuộc chiến thương mại và sản lượng của Ả Rập Xê út tăng.
Kết thúc phiên 6/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,86 USD (+1,17%), lên 73,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,28 USD (-0,36%), xuống 77,11 USD/thùng.
Sau 2 tuần tăng mạnh liên tiếp, giá dầu thô đã đảo chiều giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Trong đó, giá dầu thô Mỹ giảm 0,47% sau khi tăng 8,12% trong tuần trước đó và giá dầu thô Brent giảm 2,93% sau khi tăng 5,15% trong tuần trước đó. Trước đó, trong tháng 6, giá dầu thô Mỹ tăng tới 10,61% và giá dầu thô Brent tăng 2,38%.