Bỏ khung giá sẽ giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai

0:00 / 0:00
0:00
PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh khẳng định, khi bỏ khung giá đất, sẽ giảm hẳn việc khiếu nại, khiếu kiện về giá đất khi đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cho rằng, khung giá đất không phải là “tội đồ” hay nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, nhưng PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định, khi bỏ khung giá đất, sẽ giảm hẳn việc khiếu nại, khiếu kiện về giá đất khi đền bù, giải phóng mặt bằng.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng là do khung giá đất bất hợp lý. Theo ông, ý kiến này có đúng không?

PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Theo Luật Đất đai hiện hành, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần, chỉ thay đổi khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng/giảm từ 20% trở lên. Căn cứ vào khung giá đất, UBND cấp tỉnh công bố bảng giá đất áp dụng cho địa phương và cũng ổn định 5 năm.

Khi mới ban hành, bảng giá đất ở nhiều khu vực, địa bàn có thể đã tiệm cận giá thị trường. Sau 3 - 4 năm, giá đất đã tăng rất nhiều, nhưng bảng giá đất vẫn giữ nguyên. Bảng giá đất là căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần.

Nói nôm na, bảng giá đất là căn cứ pháp lý để tính tiền đền bù, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, với mức giá đền bù quá thấp so với giá giao dịch thực tế trên thị trường, nên người dân khiếu nại, khiếu kiện… là điều dễ hiểu. Vì vậy, Nghị quyết số 18/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao quyết định bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

Như vậy, có thể hiểu, khung giá đất là “tội đồ” gây ra khiếu nại, khiếu kiện, thưa ông?

Nếu là nguyên nhân, thì khung giá đất chỉ là nguyên nhân rất nhỏ, rất phụ, vì ngay cả khi mới ban hành cách đây 4 - 5 năm, bảng giá đất của nhiều địa phương đã tiệm cận thị trường, khi đền bù, chính quyền địa phương còn áp dụng “hệ số K”, nhưng tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn xảy ra. Vì đất đai vô cùng phức tạp, giá đền bù chỉ là một phần của sự phức tạp.

Hơn nữa, thực tế, trong số người tham gia khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, có rất nhiều người không thuộc đối tượng phải di dời, bị thu hồi đất, không hề liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Tôi nghĩ rằng, những người này tham gia khiếu nại, khiếu kiện, tập trung đông người có ý đồ khác, mưu đồ khác...

Nếu giá đền bù chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện, thì những nguyên nhân khác là gì?

Hiện trạng, hồ sơ địa chính, lịch sử hình thành đất đai mà người dân đang quản lý, sử dụng vô cùng phức tạp, nên khi đền bù, giải phóng mặt bằng, dù có đền bù thỏa đáng, cao hơn giá thị trường, thì nhiều người cũng không hài lòng. Dù họ không khiếu nại, khiếu kiện về giá đền bù, thì cũng khiếu nại, khiếu kiện về những vấn đề khác.

Để giải quyết tình trạng này, Nghị quyết số 18/NQ-TW yêu cầu, trong năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025, phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Khi bỏ khung giá đất, thì bảng giá đất do địa phương ban hành sẽ theo sát giá thị trường, chắc chắn sẽ giảm hẳn việc khiếu nại, khiếu kiện về giá đất khi đền bù, giải phóng mặt bằng. Khi có cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai đồng bộ và kết nối liên thông, chắc chắn cũng giảm hẳn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến hiện trạng, hồ sơ địa chính về đất đai. Ngoài ra, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Liệu bảng giá đất có sát với giá thị trường không, khi thị trường thường xuyên thay đổi, thưa ông?

Muốn có được bảng giá đất “chuẩn”, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thì phải có nhiều doanh nghiệp tư vấn độc lập, nhiều chuyên gia định giá am hiểu thị trường, có kinh nghiệm và phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như dữ liệu lớn, công nghệ viễn thám...

Ngoài công nghệ, thì nguồn nhân lực chất lượng cao cũng vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực này không chỉ là những chuyên gia xác định giá đất, mà còn bao gồm cả công chức, viên chức, những người được giao trọng trách trong hội đồng thẩm định giá đất của các địa phương.

Quan điểm của Đảng về đất đai đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 18/NQ-TW, vấn đề là phải thể hiện được trong Luật Đất đai sửa đổi, thưa ông.

Có thể nói, Luật Đất đai là một trong số ít luật rất phức tạp, “động chạm” đến tất cả mọi người, vì đất đai không chỉ là tài sản, mà còn là văn hóa, tâm linh, thậm chí là di sản vô cùng thiêng liêng với rất nhiều người, như đất đai của tổ tiên để lại, đất thừa kế chẳng hạn.

Vì vậy, tôi cho rằng, khác với các luật khác cần phải chi tiết, cụ thể, thì với quản lý nhà nước về đất đai, nên ban hành luật khung, còn lại giao nhiều điều khoản cho Chính phủ quy định chi tiết với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục