Bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Muốn, nhưng vẫn lo

Đề xuất đơn giản hóa thủ tục trong đăng ký đầu tư của dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi chỉ thực sự là cuộc cách mạng khi song hành với nâng cao chất lượng quy hoạch, cải cách trong cơ chế phân cấp và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
Giấy chứng nhận đầu tư đang được sử dụng như bằng cớ để nhà đầu tư được nhận các ưu đãi ảnh: h.t

Lo khoảng trống pháp lý

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) với tư cách là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, song bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã dẫn chứng chính hoạt động của Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group) mà bà đang ở vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, để đề nghị tiếp tục được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

“Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cho phép nhà đầu tư có quyền lựa chọn lấy hoặc không lấy, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhưng tôi chắc 100% nhà đầu tư sẽ chọn phương án lấy vì giấy này ghi các ưu đãi mà họ được hưởng, về một số loại thuế, đất đai… trong quá trình hoạt động”, bà Hường nói và lý giải rằng, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chính là bằng cớ để nhà đầu tư không phải chứng minh họ được hưởng những ưu đãi gì, dựa trên những căn cứ pháp lý nào.

Trên thực tế, giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư còn có giá trị như một điều kiện để vay vốn ngân hàng, số vốn đăng ký đầu tư được ghi trong giấy này được sử dụng như yếu tố làm căn cứ xác định mức cho vay. Mặc dù các chuyên gia về đầu tư đã nhiều lần phân tích rằng, việc sử dụng giấy chứng nhận đầu tư như là xác định hay chứng nhận, thậm chí là bảo đảm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về dự án là không đúng bản chất song cách này lại khá phổ biến.

Chính vì vậy, mặc dù giấy chứng nhận đầu tư chỉ là văn bản chứng nhận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về ý định đầu tư của mình tại một địa bàn, trong thời gian nhất định và chỉ là một bộ phận trong quy trình thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư xây dựng, nhiều bộ, ngành, địa phương khi góp ý cho nội dung này cũng đã đặt vấn đề sẽ quản lý nhà đầu tư thế nào khi không cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bà Hoàng Thị Tư, hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) lo ngại sẽ xuất hiện khoảng trống pháp luật khi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. “Không chỉ nhà đầu tư lo mất quyền lợi, mà việc kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn. Thay vì bỏ, nên chuyển sang hình thức đăng ký đầu tư tự động”, bà Tư đề xuất.

Khó khăn tìm biện pháp quản lý thay thế

Phân tích kỹ, đa phần lý do giữ lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ các ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) xuất phát từ những bấp cập trong cơ chế quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đầu tư - kinh doanh.

Ngay cả việc sử dụng như một bằng chứng để được ưu đãi thuế mà nhà đầu tư đang rất cần, bà Tư cũng cho biết, không phải dễ dàng. “Do cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước không tốt, nên nhiều khi dù ưu đãi thuế đã ghi rõ trong giấy chứng nhận đầu tư, nhưng nhà đầu tư cũng không được hưởng”, bà Tư nói.

Đó là chưa kể tới cách quản lý thế nào khi thời gian trước đã xảy tình trạng cấp phép cho các dự án bất động sản bịt kín bờ biển miền Trung, hay để “lọt” nhà đầu tư không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới tiến độ dự án, lãng phí đất đai…

Đây là lý do ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề rằng, nếu cấp giấy chứng đăng ký đầu tư với dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thì biện pháp quản lý thay thế là gì. “Căn cứ để thực hiện các ưu đãi là gì, kiểm soát các dự án đầu tư là gì, khi chỉ những nhà đầu tư yêu cầu thì mới cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư… Trong các vấn đề này, quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành như thế nào phải làm rõ”, ông Minh yêu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình rằng, việc bỏ thủ tục giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi cơ chế phân cấp được kiểm soát chặt chẽ, công tác quy hoạch có chất lượng, có tầm nhìn, đảm bảo tính ổn định cao. “Đặc biệt, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa cấp trung ương và địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu thêm, những thay đổi về tư duy trong quản lý nhà nước về đầu tư không chỉ trong các ban soạn thảo luật, các nhà hoạch định chính sách mà trong từng cán bộ công chức.

“Nếu tư duy và cách ứng xử của công chức không theo kịp những thay đổi của pháp luật, thì các quy định thông thoáng sẽ lại làm khó, làm khổ cho chính nhà đầu tư và cả các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Kiên thừa nhận.

Bảo Duy(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục