Có là “giấu bụi dưới thảm”?
Luật sư Đinh Nhật Quang, Văn phòng Luật sư Leadco đặt câu hỏi như vậy cho ban soạn thảo tại Hội thảo hoàn thiện Dự thảo Luật DN sửa đổi, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/4, khi Dự thảo tách bạch thủ tục thành lập DN và giấy phép kinh doanh. Tại hội thảo này, CIEM mời các luật sư, chuyên gia luật với mong muốn nhận được nhiều phản biện sắc sảo.
Ông Quang cho rằng, Dự thảo bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định…, nếu thực hiện theo hướng này, bất kỳ NĐT nào cũng được thỏa mãn ngay “cơn khát” thành lập DN. Cơ quan nhà nước ghi nhận số lượng đăng ký DN tăng lên nhanh chóng. Nhưng liệu có phải suôn sẻ như vậy? Vấn đề cần quan tâm là với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi NĐT đã phải bỏ chi phí soạn thảo hồ sơ, đăng ký thành lập DN, nộp thuế môn bài…, nếu họ chưa hoặc không thỏa mãn được điều kiện tiếp theo để kinh doanh ngành nghề có điều kiện thì sao? Khi đó, NĐT được làm thủ tục xóa tên DN đơn giản, hay phải làm thủ tục giải thể DN phức tạp, mất nhiều thời gian? Mặt khác, có thể có DN sau khi đăng ký thành lập sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó cho cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra tuân thủ, gây ra các tác động xấu tới xã hội…
“Do đó, Dự thảo luật không nên tách bạch giữa thủ tục thành lập DN và giấy phép đăng ký kinh doanh, kiều kiện kinh doanh…”, ông Quang kiến nghị.
Tuy nhiên, Luật sư Lưu Tiến Ngọc, Công ty Vision & Associates Legal không đồng tình với đề xuất trên, mà đồng ý với hướng cải cách của Dự thảo là tách bạch giữa thủ tục thành lập DN với thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như tách việc cấp cả hai thủ tục này với thủ tục đầu tư. Lý do là bởi hướng cải cách này giúp cho môi trường kinh doanh trở nên thân thiện hơn đối với NĐT.
“Qua thực tiễn tổng kết thi hành Luật DN cho thấy, thủ tục thành lập DN và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có cuộc sống riêng của chúng. Do đó, nếu vẫn ghép chung như hiện nay, thì tiếp tục gây nhiều phiền toái cho NĐT khi gia nhập thị trường. Việc tách bạch hai thủ tục này trong Dự thảo luật là một bước cải cách lớn…”, đại diện ban soạn thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng CIEM nói và cho rằng, với bước tiến này, các DN dù kinh doanh thông thường, hay hoạt động kinh doanh các ngành nghề có điều kiện, thì thủ tục thành lập DN là như nhau. Sau đó, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì DN phải tuân thủ các điều kiện cụ thể mới được phép kinh doanh.
Liên quan đến cải cách thủ tục đăng ký DN, ông Cung cho biết thêm, thay vì có nghĩa vụ thực hiện 9 thủ tục như quy định hiện hành, Dự thảo còn quy định, DN chỉ phải thực hiện 5 thủ tục, các thủ tục còn lại như: đăng ký thuế, lao động, bảo hiểm… do cơ quan quản lý có trách nhiệm thực thi thay DN.
Nên “để trắng” mã ngành kinh doanh?
Trong khi khá nhiều ý kiến đồng tình với Dự thảo về việc không bắt buộc ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐK), thì một số ý kiến quan ngại việc này sẽ “làm khó” cho cơ quan quản lý, vì sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý DN. Thậm chí, ngay cả với ý kiến ủng hộ hướng cải cách này, cũng đề nghị Chính phủ cần ban hành chi tiết ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời liên tục cập nhật, để giảm thiểu rủi ro cho DN…
“Chúng tôi đề nghị hướng cải cách như vậy, nếu cơ quan quản lý thấy khó thì phải nỗ lực, cố gắng, để đáp ứng yêu cầu quản lý, chứ không thể vì quan ngại gây khó cho họ mà thoái lui nỗ lực cải cách…”, ông Cung quả quyết và phân tích thêm, nếu không thực hiện cải cách này, thì với quy định hiện hành, DN phải ghi rõ ngành nghề hoạt động vào GCNĐK và điều lệ công ty.
Khi DN kinh doanh những ngành nghề không ghi trong GCNĐK thì bị coi là phi pháp. Hệ quả là khi triển khai các giao dịch, hợp đồng đối với các ngành nghề mới nằm ngoài những ngành nghề đã ghi trong GCNĐK, thì bị coi là vô hiệu, nên người kinh doanh đối mặt với rủi ro rất lớn.
Với bước cải cách này, sẽ hiện thực hóa được một nguyên tắc quan trọng trong Hiến pháp là người dân được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được kinh doanh những gì pháp luật cho phép như trước đây. Cải cách này giúp người kinh doanh giảm được nhiều chi phí, thời gian về đăng ký bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh, nhất là giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.