Bộ Giao thông xúc tiến chuyển giao 5 Tổng công ty lớn nhất về “siêu Ủy ban”

Chiều 2/10, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có buổi làm việc về công tác chuyển giao các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Bộ GTVT khẳng định sẽ tiên phong chuyển giao 5 Tổng công ty lớn nhất trực thuộc Bộ về “siêu Ủy ban” này.
Vietnam Airline là 1 trong 5 Tổng Công ty lớn nhất thuộc Bộ GTVT sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Vietnam Airline là 1 trong 5 Tổng Công ty lớn nhất thuộc Bộ GTVT sẽ được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 Tập đoàn và 12 Tổng Công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Đối với Bộ GTVT, có 5 Tổng công ty trực thuộc được chuyển giao, gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác bàn giao, đảm bảo công việc không chồng chéo, đình trệ.

Nghị định số 131 nêu rõ, trong vòng 45 ngày phải bàn giao xong. Bộ GTVT sẽ tiên phong bàn giao trước để các tổng công ty sớm ổn định, tập trung cho công việc”. 

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, đối với việc quản lý tài sản, Cục đang xây dựng Đề án quản lý khai thác đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn sẽ là đơn vị quản lý sử dụng và khai thác tài sản này. Đơn vị quản lý nhà nước Bộ giao sẽ quản lý tài sản, lập sổ sách.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, việc chuyển giao các doanh nghiệp hàng không về Ủy ban sẽ không có vấn đề thay đổi gì trong công tác quản lý nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, để công việc sắp tới được suôn sẻ, cần đẩy nhanh xây dựng các Đề án quản lý khai thác hạ tầng, liệt kê nội dung bàn giao với Ủy ban, làm rõ trách nhiệm các bên trong giai đoạn giao thời.

Nói về công tác quản lý, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, lâu nay mọi việc đều tương đối rõ ràng, rành mạch giữa quản lý nhà nước và doanh nghiệp: “Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên cơ sở chiến lược, quy hoạch. Việc của Bộ GTVT là nghiên cứu kế hoạch đầu tư và cơ chế chính sách”.

Bộ GTVT sẽ chuyển giao nguyên trạng đối với VEC, Vietnam Airlines, Vinalines. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ quan điểm sẽ tiến hành bàn giao nhanh nhất để các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động: “Quan điểm là bàn giao nguyên trạng nhưng phải có hồ sơ rõ ràng”.

Liên quan đến việc bàn giao VEC, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay, Bộ GTVT đang thực hiện tái cơ cấu lại Tổng công ty Cửu Long (CIPM) theo hướng sáp nhập về VEC. Để thuận lợi hơn, cần hoàn tất việc sáp nhập trước khi chuyển giao.

“Các Thứ trưởng cần chủ trì, làm rõ lộ trình bàn giao như thế nào, công việc gì ai làm, khi nào xong. Các Cục, Tổng cục chuyên ngành cũng cần rà soát lại công tác quản lý Nhà nước. Phía các tổng công ty cũng cần chủ động hơn. Khi chuyển giao có nguyện vọng gì, khó khăn ở đâu, phải nghiên cứu đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục