Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư đánh giá tác động của biến động giá thép

0:00 / 0:00
0:00
Các chủ đầu tư phải dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ đầu tư đánh giá tác động của biến động giá thép

Bộ GTVT vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông khẩn trương đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch covid và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Theo đó, căn cứ tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng được giao quản lý, đặc biệt đối với các dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý dự án đánh giá tác động của dịch Covid -19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Cụ thể, các đơn vị này được giao tập trung đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng (phân định theo từng hình thức giá hợp đồng) và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng; dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.

Các chủ đầu tư cũng được yêu cầu đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng; gửi ý kiến bằng văn bản về Bộ GTVT trước ngày 19/5/2021.

Được biết, trong thời gian gần đây, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT liên tục nhận được phản ánh của nhà thầu thi công về giá vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là giá thép xây dựng tăng đột biến trong quý I/2021, không theo quy luật tăng giá thông thường, nhất là trong những ngày tháng 4 và đầu tháng 5/2021. Điều này đang khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nếu không có giải pháp tháo gỡ có thể đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản.

Cụ thể, giá thép xây dựng đường kính lớn hơn 18 mm công bố của tỉnh Tiền Giang vào cuối tháng 12/2020 là 14.500 đồng/kg; của Vĩnh Long Là 14.600 đồng/kg; của Bình Thuận là 14.200 đồng/kg thì đến nay theo thông báo của các nhà sản xuất thép lớn như Hòa Phát, VinaKyoei bình quân là 19.300 đồng/kg, chênh lệch tăng khoảng 35%.

Không chỉ thép, giá một số loại vật liệu cơ bản khác phục vụ thi công các dự án đường cao tốc Bắc – Nam như xi măng cũng đang có dấu hiệu leo thang do nhu cầu xây dựng tăng đột biến trên phạm vi cả nước. Đại diện Công ty Vạn Cường cho biết là giá xi măng mà nhà thầu này đang phải nhập tại thời điểm giữa tháng 5/2021 đã cao hơn khoảng 40.000 đồng/tấn so với thời điểm bắt đầu triển khai công trình (tháng 12/2020).

Được biết, thép và xi măng nằm trong danh mục các loại vật liệu tại các dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công được phép điều chỉnh giá theo chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng các địa phương công bố. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, chỉ số giá xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố vừa chậm, vừa không phản ánh chính xác biến động giá của từng loạt vật liệu, đặc biệt là thép, xi măng thường có biên độ biến động lớn.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục