Ứng xử với giá thép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian qua, thép thế giới cũng như trong nước tăng liên tục so với giá đáy năm 2020, hiện nay giá thép đã tăng gần gấp đôi so với đáy. Vậy nguyên nhân gì đã làm giá thép tăng như vậy và hệ lụy của việc tăng giá thép đối với nền kinh tế Việt Nam?
Ứng xử với giá thép

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ phân tích từng bước để làm sáng tỏ vấn đề trên.

Trước hết, giá thép tăng có mấy nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, Trung Quốc hạn chế sản lượng thép do bị ô nhiễm môi trường. Trung Quốc đang từ nước xuất khẩu thép từ năm 2020 trở về trước, thì nay lại thành nước nhập khẩu thép.

Thứ hai, EU giảm sản lượng thép và đang dần thành thị trường nhập khẩu thép.

Thứ ba, Ấn Độ là nước cũng sản xuất thép lớn đang bị đình trệ do dịch Covid. Ấn Độ năm 2020 mỗi tháng xuất khẩu khoảng 2,4 triệu tấn.

Thứ tư, giá phôi thép đã tăng từ 120 USD lên trên 200 USD/tấn.

Thứ năm, nhu cầu thép vẫn đang tăng lên do các quốc gia đầu tư mạnh vào hạ tầng để kích thích nền kinh tế.

Như vậy, nguồn cung thép từ 2 nước xuất khẩu thép hàng đầu thế giới đã dừng lại dẫn tới thiếu hụt nguồn cung, trong khi cầu lại tăng lên.

Từ các nguyên nhân trên có thể thấy, việc tăng giá thép là hoàn toàn khách quan do nguồn cung bị hạn chế, nhu cầu tăng, giá đầu vào tăng (do phôi thép tăng). Nên việc giá thép tăng là đương nhiên, phù hợp với nguyên tắc cung cầu, phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường, không phải do ai hoặc nhóm người nào đó liên kết thao túng giá thép tại Việt Nam và càng không phải do bơm tiền của thế giới dẫn đến việc tăng giá này.

Hệ lụy của việc tăng giá thép đối với nền kinh tế Việt Nam

Tăng giá thép có mặt tích cực là đem lại thu nhập tốt cho các công ty thép sau nhiều năm làm ăn lẹt đẹt, nợ tăng cao. Nhờ có đợt tăng giá này, nhiều công ty có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chỉ số tài chính của các công ty thép trở nên lành mạnh hơn, tăng khả năng trả nợ ngân hàng, giảm thiểu rủi ro nợ nợ xấu.

Các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu thép ra thị trường thế giới với giá cao hơn trong nước, giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh, tăng thêm nguồn ngoại tệ. Bởi hiện nay, giá thép HRC trong nước chưa tới 1.000 USD/tấn, trong khi ở Mỹ có giá là 1.500 USD, châu Âu là 1.200 USD/tấn.

Các doanh nghiệp có nguồn lực để hiện thực hoá lợi thế cạnh tranh ngành thép Việt Nam đối với thế giới.

Tuy nhiên, thép là đầu vào của một số ngành trong nền kinh tế như xây dựng (nhà ở, nhà xưởng, cầu đường), ô tô, đồ gia dụng (tủ lạnh, điều hoà, máy giặt, nồi cơm điện...), thiết bị điện (mô tơ, biến áp, cột điện...)... Việc giá thép tăng làm chi phí đầu vào của nhiều ngành tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp của các ngành này, đồng thời cũng gây áp lực lạm phát.

Ứng phó thế nào?

Hiện nay, có nhiều kiến nghị Chính phủ tìm cách hạ giá thép, trong đó có một kiến nghị giải pháp:

Thứ nhất, giảm thuế nhập khẩu quặng thép để từ đó giảm giá thành sản xuất dẫn tới giảm giá bán. Với cách này, Nhà nước sẽ giảm đi nguồn thu nhưng sẽ vẫn không hiệu quả, vì giá thép của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với châu Âu và Mỹ.

Trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu trên 9 triệu tấn thép và nhập khẩu 13 triệu tấn. Với cách làm này không khác gì lấy tiền của mình đi từ thiện cho thế giới, khi các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để kiếm lời, trong khi cầu trong nước đang cao hơn cung. Vì vậy, chọn cách giảm thuế nhập khẩu quặng sắt là không khả thi.

Thứ hai là hạ thuế nhập khẩu thép để nguồn thép giá rẻ của Trung Quốc tràn vào. Cách này sẽ có hệ lụy khó lường, vì năng lực sắt thép Trung Quốc rất lớn, thương gia Trung Quốc có rất nhiều phương pháp để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, thực hiện theo cách này sẽ dẫn tới hại chính doanh nghiệp thép trong nước. Vì vậy, cách này là không nên.

Thứ ba là làm giảm giá thép bằng cách giảm cầu (giãn tiến độ các dự án đợi khi nào giá thép giảm thì làm). Cách này sẽ làm đình đốn sản xuất, dòng tiền không được lưu thông thông suốt chỉ vì một tỷ lệ không đáng kể giá thép tăng (thép chỉ chiếm một phần giá thành chứ không phải tất cả). Cách này rất nguy hiểm vì nó ví như một thanh niên mạnh khoẻ đang lao động kiếm tiền hàng ngày chỉ vì giá thịt lên mà bỏ ăn dẫn tới suy kiệt sức lao động, rồi dẫn tới mất việc.

Giai đoạn này là giai đoạn cần bơm tiền mạnh mẽ ra nền kinh tế để chớp lấy cơ hội: thế giới đang bị đình đốn sản xuất do dịch Covid trong khi nhu cầu tiêu dùng luôn có; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...

Câu hỏi đặt ra là khi giá thép tăng, một số ý kiến lại kiến nghị Chính phủ tìm cách hạ giá thép, mà không để nó vận động theo cơ chế thị trường như nhiều loại hàng hóa khác, bởi có lúc giá thép giảm sâu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép gặp khó khăn, ai cứu doanh nghiệp ngành này?

Rõ ràng chúng ta thấy, khi giá một mặt hàng nào đó tăng thì đem ngay lại lợi ích cho chính ngành đó, do có nguồn lực tài chính mới có thể tái đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường , bản thân Nhà nước cũng tăng được nguồn thu.

Tuy nhiên, không can thiệp để hạ giá thép, thì chỉ có doanh nghiệp và cổ đông của các doanh nghiệp ngành thép được hưởng, trong khi một số ngành khác sẽ gặp bất lợi. Như vậy, vẫn chưa phải là thượng sách, bởi cổ nhân đã dạy:

Lợi mình lợi người là thượng sách

Lợi mình người không lợi là trung sách

Lợi mình hại người là hạ sách

Mình không lợi người không lợi là thất sách.

Vậy có cách nào để các doanh nghiệp thép vẫn có lợi mà các ngành bị tác động của giá thép giảm ảnh hưởng tiêu cực?

Vẫn có một cách để giải quyết, đó là ngân hàng trung ương hoặc thông qua ngân hàng thương mại giảm lãi vay, mua trái phiếu với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp nhằm hoá giải những thiệt hại về tài chính, bởi nhàng trung ương là cơ quan có nhiệm vụ điều tiết tiền sao cho nền kinh tế được ổn định và phát triển.

Luật sư Lê Quang Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục