Đây là yêu cầu của Bộ GTVT đặt ra trong công văn số 15242/BGTVT – CĐCTVN gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Theo đó, Bộ GTVT thống nhất việc điều chỉnh giá vé 4 tuyến gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Đà Nẵng – Quảng Ngãi như đề nghị của VEC.
Bộ GTVT giao VEC có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, quyết định mức giá, thời điểm điều chỉnh giá 4 tuyến cao tốc theo thẩm quyền, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT và khả năng chi trả của người sử dụng, hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé theo đúng quy định pháp luật.
Đơn vị khai thác phải kịp thời công khai, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Vào cuối tháng 11/2023, VEC đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT xin điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 4 tuyến cao tốc, trong đó: tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi tăng 12% so với mức giá hiện tại; riêng tuyến TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng 5% để đảm bảo không vượt mức trần quy định tại Thông tư 28/2021/TT-BGTVT. Thời gian điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng 4 tuyến cao tốc dự kiến thực hiện từ tháng 1/2024.
Hiện nay, VEC là chủ đầu tư của 5 dự án cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.
Trong số này có 4 dự án đã đưa vào khai thác (Dự án đầu tư Bến Lức – Long Thành đang thực hiện, dự kiến khai thác năm 2024); mức giá sử dụng dịch vụ hiện tại 4 tuyến cao tốc là từ 1.000 - 2.000 đồng/PCU/km (tuỳ theo từng dự án).
Theo Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc, lộ trình tăng giá là 3 năm/lần nhưng mỗi lần tăng 12%; thời điểm tăng lần 1 bắt đầu từ năm 2024.
Theo báo cáo của VEC, doanh thu thực tế các năm 2020, 2021 tại 4 tuyến bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID. Trong khi đó, theo kế hoạch trả nợ, từ năm 2023, các dự án đã bắt đầu trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài, trái phiếu …như vậy chi phí trả nợ hàng năm sẽ rất lớn và tăng dần.
Ngoài ra, 4 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác từ 10-12 năm, nay đã đến thời hạn phải sửa chữa định kỳ nên chi phí sửa chữa định kỳ hàng năm tăng.
Trong trường hợp, VEC tiến hành điều chỉnh giá từ tháng 1/2024 thì tổng doanh thu thu phí 5 dự án giai đoạn 2024-2030 (bao gồm VAT) đạt khoảng 50.798 tỷ đồng. Lũy kế dòng tiền hòa chung 5 dự án nếu được điều chỉnh giá luôn dương, đảm bảo khả năng trả nợ và có đủ nguồn lực đầu tư đưa dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi vào khai thác theo tiến độ.
“Nếu các dự án điều chỉnh giá từ sau năm 2024 thì phương án tài chính 5 dự án bị phá vỡ, vì vậy việc điều chỉnh giá là cần thiết và bảo đảm hiệu quả tài chính dự án”, VEC phân tích.