Bộ Giao thông phát văn bản cảnh báo tiến độ “rùa bò” tại Dự án BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp

Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam và Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Phú Mỹ bị Bộ Giao thông - Vận tải cảnh báo về việc vi phạm hợp đồng BOT Dự án Quốc lộ 30.

Vi phạm kép

Văn bản cảnh báo vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi hỏa tốc tới Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam và Công ty TNHH xây dựng hạ tầng Phú Mỹ - nhà đầu tư và Công ty TNHH BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp (doanh nghiệp dự án) để thông báo việc vi phạm Hợp đồng BOT Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 30 (đoạn từ km 1+200 - km 34+230) qua 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp BOT (Dự án).

Bộ Giao thông phát văn bản cảnh báo tiến độ “rùa bò” tại Dự án BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp ảnh 1

Mặt đường Dự án thi công dở dang tạo thành các hố nước gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Ảnh: Anh Minh 

Cụ thể, Bộ GTVT khẳng định, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã vi phạm khoản 14.2, Điều 14 và Điều 68 Hợp đồng BOT khi chưa tuân thủ quy định liên quan công tác báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng tín dụng và sử dụng vốn chủ sở hữu theo yêu cầu dự án.

Bộ GTVT giao đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền - Ban Quản lý dự án 7 đôn đốc, kiểm tra báo cáo kết quả khắc phục của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đảm bảo tuân thủ quy định hợp đồng.

“Trường hợp nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án không thực hiện, Ban Quản lý dự án 7 phải sớm đề xuất các thủ tục xử lý chấm dứt hợp đồng theo quy định”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo.

Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án hồi cuối tháng 8/2017, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã yêu cầu nhà đầu tư đàm phán ký hợp đồng tín dụng chính thức với ngân hàng chậm nhất là ngày 20/9/2017.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu việc sử dụng vốn chủ sở hữu phải có sự giám sát của ngân hàng cho vay; báo cáo và cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để thực hiện nhiệm vụ giám sát doanh nghiệp dự án theo quy định.

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án 7, tới thời điểm cuối tháng 9/2017, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng và cũng không có báo cáo nguyên nhân tồn tại, vướng mắc trong việc ký kết hợp đồng tín dụng.

Nhà đầu tư và doanh nghiệp Dự án vẫn chưa ký được hợp đồng tín dụng và cũng không báo cáo nguyên nhân tồn tại, vướng mắc trong việc ký kết hợp đồng tín dụng.   

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 7 đã nhiều lần yêu cầu Công ty TNHH BOT Quốc lộ 30 Tiền Giang -  Đồng Tháp báo cáo tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu, nhưng đơn vị này báo cáo sơ sài, rất chậm so với thời gian quy định bao gồm chứng từ và bản sao kê sổ phụ. Đây là lý do khiến Ban Quản lý dự án 7 không thể thực hiện việc giám sát quản lý sử dụng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Nới thời hạn hoàn thành

Ngoài việc liên tục phớt lờ các chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc huy động vốn và sử dụng vốn chủ sở hữu, tiến độ triển khai công trình BOT này được đánh giá là rất đáng quan ngại.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.130 tỷ đồng này được khởi công vào tháng 5/2015; dự kiến thời gian thi công đến hết tháng 12/2016. Tuy nhiên, do không thể ký được hợp đồng tín dụng với nhà tài trợ, nên Bộ GTVT đã buộc phải nới thời gian hoàn thành là cuối năm 2018, đồng thời, thay thế một thành viên trong liên danh nhà đầu tư ban đầu (Công ty cổ phần Phương Nam thay chỗ của Công ty cổ phần Đầu tư T&T).

Bên cạnh đó, Dự án đi qua địa phận 2 tỉnh (Tiền Giang và Đồng Tháp), nên theo quy định phải thực hiện công tác lập và trình Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã được phê duyệt vào tháng 12/2016).

Tuy nhiên, do khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh có độ chênh lệch nhau về giá khá lớn, nên Hội đồng Giải phóng mặt bằng của 2 tỉnh đang phối hợp khảo sát, xác định lại giá cụ thể để làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường.

 Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 30 có điểm đầu tại Km 1+200 (kết nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) thuộc địa phận huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang); điểm cuối tại km 34+230, thuộc địa phận TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Tổng chiều dài tuyến là 32,8 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Tiền Giang dài khoảng 6,8 km, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 26,05 km.   

Theo cam kết của 2 tỉnh, chậm nhất là đến cuối tháng 7/2017 sẽ hoàn thành công tác chi trả cho các hộ dân; tháng 8/2017 sẽ bắt đầu bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cũng giống như cam kết huy động vốn của nhà đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng cũng đang bị “lụt”, khi đến cuối tháng 9/2017, Đồng Tháp mới chỉ bàn giao được 7,3km/26,21 km đất công thuộc phạm vi vỉa hè; Tiền Giang mới bàn giao được 4,7/6,8 km đất công bên phải tuyến và 0,2/6,8 km đất công bên trái tuyến. Toàn bộ công địa có thể thi công tại Tiền Giang được tỉnh bàn giao suốt từ tháng 10/2015 và tới nay vẫn không có thêm sự cải thiện đáng kể nào.

Hệ lụy trực tiếp là, sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi công, giá trị xây lắp toàn Dự án mới đạt khoảng 2% (13,4/662 tỷ đồng), tính bình quân, mỗi năm, giá trị sản lượng chỉ đạt khoảng 4 tỷ đồng - biến công trình này trở thành dự án BOT “rùa bò” bậc nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Theo ông Trần Ngô Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp, tuyến Quốc lộ 30 từ tỉnh Tiền Giang đến TP. Cao Lãnh thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 30, tại một số đoạn, mặt đường được thi công đào bới để mở rộng, nhưng đã ngừng trong thời gian quá lâu không san lấp lại, tạo thành các hố nước gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

“Sở đã nhiều lần có văn bản đề nghị, nhưng đến nay, liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam và Công ty TNHH Xây dựng hạ tầng Phú Mỹ  vẫn chưa thực hiện khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông”, ông Tuấn nói.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục