“Bộ đệm” của ngân hàng dày thêm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng cho hay, dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ngày càng tăng nên nợ xấu cũng sẽ tăng và đòi hỏi nguồn trích lập dự phòng càng lớn. Điều này cũng đồng nghĩa “bộ đệm” chống rủi ro của ngân hàng cũng dày thêm.
Dịch bệnh kéo dài khiến dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch tăng mạnh. Ảnh: Dũng Minh Dịch bệnh kéo dài khiến dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch tăng mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Nợ tái cơ cấu tăng mạnh

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Giám đốc Tài chính ACB cho biết, nợ tái cơ cấu của Ngân hàng đã tăng mạnh từ 8.200 tỷ đồng (tại thời điểm cuối tháng 6/2021) lên 13.400 tỷ đồng (tại thời điểm cuối tháng 9/2021). Trong quý III/2021, lợi nhuận của ACB chỉ tương đương cùng kỳ năm 2020, đạt 2.616 tỷ đồng, lý do bởi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước, cho dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 27,8% với phần lớn các mảng kinh doanh đều tăng trưởng.

Dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, ACB vẫn ghi nhận 8.968 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, qua đó hoàn thành 85% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. ACB cũng đã miễn giảm tiền lãi cho khách hàng ảnh hưởng dịch là 203 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 150.566 tỷ đồng cho 93.975 khách hàng.

Cũng ghi nhận nợ tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch tăng mạnh là VietinBank, khi con số này tăng từ 5.600 tỷ đồng cuối quý II/2021 lên 7.800 tỷ đồng cuối quý III/2021 theo báo cáo tài chính vừa công bố.

Tại OCB, đại diện ngân hàng này thông tin, dư nợ cơ cấu nợ lãi và nợ gốc cho khách hàng chịu tác động dịch bệnh tính đến 30/9/2021 là gần 5.000 tỷ đồng. Dự kiến, với các chương trình hỗ trợ lãi suất và miễn giảm lãi cho khách hàng, OCB sẽ giảm khoảng 800 tỷ đồng thu nhập từ lãi trong năm nay.

Ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Techcombank cũng cho hay, nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 của Ngân hàng tính đến cuối quý III/2021 ở mức 2.800 tỷ đồng, tương đương 0,9% dư nợ. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11.500 tỷ đồng dư nợ đã được Techcombank tái cấu trúc cho khách hàng. Đồng thời, Techcombank hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021.

Theo ông Bằng, làn sóng Covid thứ 4 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các khách hàng của Techcombank nói riêng, song Ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức 0,6% do đã chủ động đánh giá, tái cấu trúc nợ từ khi đại dịch mới bắt đầu từ năm ngoái để chia sẻ với khách hàng.

“Techcombank thường xuyên rà soát khách hàng trong quá trình tái cấu trúc nợ và nhiều khách hàng đã cải thiện được tình hình sản xuất - kinh doanh cũng như cam kết được khả năng trả nợ. Vì thế, nợ xấu sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới Ngân hàng, cho dù có tăng”, ông Bằng nhấn mạnh.

Về phía cơ quan quản lý, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 vào khoảng 531.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng vào khoảng 27.000 tỷ đồng.

Trong đó, 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 - 30/9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 5,2 triệu tỷ đồng cho hơn 800.000 khách hàng.

Theo ông Tú, công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh thời gian qua, nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng tăng, dự kiến ở mức từ 7,1-7,7% vào cuối năm nay. Đây là kết quả được dự báo trước khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ theo các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN và Ngân hàng Nhà nước đã lên kịch bản xử lý trong thời gian tới.

Tăng trích lập dự phòng để tăng “bộ đệm” chống rủi ro

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Bằng cho biết, Techcombank sẽ xem xét tác động của nền kinh tế sau giãn cách cũng như tình hình thực tế tại Ngân hàng để đưa ra kế hoạch tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng ở mức phù hợp, từ đó đưa ra các kịch bản nợ xấu.

“Chúng tôi theo sát thực tế diễn biến của nền kinh tế cũng như thị trường để điều tiết tỷ lệ nợ xấu của mình. Dẫu vậy, trong bối cảnh còn nhiều bất ổn và biến động hiện nay, Techcombank tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về nợ xấu, duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối quý III/2021 ở mức 184%, giảm so với mức 259% vào cuối quý liền trước, nhưng cao hơn mức 148% của cùng kỳ năm 2020”, ông Bằng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hòa cho hay, ACB đã trích lập dự phòng tổng cộng 2.000 tỷ đồng cho dư nợ tái cơ cấu trong quý III/2021, nâng tổng chi phí dự phòng lũy kế 9 tháng lên mức 2.800 tỷ đồng và dự kiến khoản mục này có thể tăng thêm 500 tỷ đồng vào cuối năm nay khi nợ tái cơ cấu còn tăng lên.

Thực tế, để hạn chế rủi ro nợ xấu tăng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, từ đó tăng cường năng lực xử lý nợ xấu cũng như tạo “bộ đệm” chống đỡ tốt hơn với các cú sốc lớn trong tương lai. Tất nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận và đây là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh quý III vừa qua của nhiều ngân hàng không tăng trưởng, thậm chí đi xuống, cho dù hoạt động kinh doanh vẫn khả quan.

Chẳng hạn, tại BIDV, việc chi phí dự phòng tăng tới 30,3% trong quý III/2021 đã khiến lợi nhuận giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2020, theo báo cáo tài chính vừa được công bố.

Tại VietinBank, tính đến 30/9/2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,67%, tăng 0,33 điểm phần trăm so với quý liền trước, buộc ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Riêng trong quý III/2021, VietinBank đã trích lập 5.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, Vietinbank đã trích lập 14.004 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Đối với 5.600 tỷ đồng nợ tái cơ cấu đã hết thời gian tái cơ cấu, VietinBank đã trích lập 5.000 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của LienVietPostBank tính đến cuối quý III/2021 tăng 10% so với đầu năm, lên mức 2.783 tỷ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 2,7 lần đầu năm. Mặc dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,43% đầu năm xuống mức 1,42% và ngân hàng này vẫn trích lập hơn 271 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, LienVietPostBank trích lập tổng cộng hơn 887 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 của các ngân hàng tuy vẫn ở mức cao, nhưng nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính và con số này sẽ còn tăng lên do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian tới theo quy định tại Thông tư 14/2021, cụ thể là các ngân hàng phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm 2021 và 100% vào các năm 2022 và 2023.

Trong khi đó, lãi dự thu từ các doanh nghiệp có dư nợ tính vào doanh thu của ngân hàng đang chiếm khoảng 20% tổng dư nợ. Vì vậy, lợi nhuận nhiều ngân hàng hiện tại được đánh giá chưa phản ánh thực chất.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục