Liên quan đến kết quả điều hành hoạt động tiền tệ, ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021, số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho biết, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid (cuối năm 2019).
Cụ thể, đến ngày 30/6, kỳ hạn qua đêm 0,7-1,4%/năm; 1 tuần 1,15-1,6%/năm; 2 tuần 1,3-1,6%/năm; 3 tháng 1,7-1,8%. Thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào giúp tổ chức tín dụng (TCTD) giảm áp lực chi phí vốn, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Ngày 28/6/2021, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 3,64% so với cuối năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Đến cuối tháng 4/2021, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân VND của các TCTD giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi bằng VND ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-5,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,7%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các TCTD phổ biến ở mức 8-10%/năm. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.
Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng diễn biến linh hoạt, khoảng 22.940-23.100 VND/USD, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tính đến ngày 30/6/2021, tỷ giá trung tâm ở mức 23.178 VND/USD, tăng 0,2% so cuối năm; tỷ giá bình quân giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng quanh mức 23.025 VND/USD, giảm 0,28% so cuối năm, tỷ giá Vietcombank ở mức 22.920/23.120 VND/USD giảm 0,5/0,41% so cuối năm 2020.
Đến ngày 14/06/2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ 23/01/2020 đến 14/6/2021 là 18.279 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi đã miễn, giảm thực tế là 13.679 tỷ đồng; số tiền lãi sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.600 tỷ đồng;
Bên cạnh đó, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Hiện nay, NHNN đang khẩn trương tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Đề án 1058), Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021.
Đối với câu chuyện nợ xấu, NHNN cho biết, trên cơ sở kết quả theo dõi, giám sát về nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của các TCTD, trong đó đã đưa ra các dự báo diễn biến về nợ xấu trong 6 tháng đầu năm 2021 trên cơ sở các kịch bản kinh tế vĩ mô (kịch bản cơ sở, kịch bản trung bình, kịch bản thận trọng.
Tại tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/02/2021 dự báo đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ước tính ở mức 1,54%-1,91% và 3,43%-3,84%. Nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD sẽ ở mức gần 5%.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hạn chế, giảm thiểu rủi ro đối với sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, tăng từ mức 1,69% (cuối năm 2020) lên 1,78% (cuối tháng 4/2021).
NHNN cho biết, đã có văn bản yêu cầu các TCTD đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Trên cơ sở báo cáo của các TCTD, NHNN sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022.