Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bày tỏ bức xúc về việc tiệm vàng lấy hàng từ nơi bỏ mối sỉ mặt hàng vàng nữ trang, có tiêu chuẩn cơ sở và hợp đồng rõ ràng, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất lượng vàng không đúng tiêu chuẩn công bố, tiệm vàng sẽ bị xử phạt. Theo các doanh nghiệp, quy định này mới chỉ kiểm soát được phần ngọn bởi tiệm vàng chỉ là nơi kinh doanh, trong khi chất lượng lại do các cơ sở sản xuất quyết định.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP, lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa. Ông Phạm Văn Đồng, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, theo quy định trên tất cả hàng hóa dù đang trưng bày hay lưu giữ cũng đều là đối tượng kiểm tra.
Theo các doanh nghiệp, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp bị xử phạt oan vì có nhiều trường hợp tiệm vàng cất riêng những sản phẩm không đủ chất lượng để chờ nấu lại, không đưa vào lưu thông nhưng vẫn bị xử phạt.
Đặc biệt, vấn đề được rất đông doanh nghiệp quan tâm chính là việc xử lý số nữ trang tồn kho từ trước khi Thông tư 22 có hiệu lực, có chất lượng không đúng như công bố. Ông Phạm Văn Đồng khẳng định, trong trường hợp doanh nghiệp đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, doanh nghiệp có thể tiến hành gia công, chế tác lại sản phẩm vàng trang sức này. Sau đó đóng lại mã ký hiệu và ghi nhãn hàng hóa.
Nhưng theo các doanh nghiệp, điều này sẽ làm phát sinh một chi phí rất lớn cho việc chế tác, chưa kể tới phần nguyên liệu bị hao hụt trong quá trình gia công sản phẩm.
Các doanh nghiệp cũng nêu vướng mắc về việc tem nhãn sản phẩm phải thể hiện quá nhiều nội dung như tên hàng hóa (ví dụ: lắc tay, dây chuyền, nhẫn vàng…), nhà sản xuất, hàm lượng vàng, khối lượng vàng, ký hiệu của sản phẩm… Theo đó, với diện tích chỉ 2cm x 1cm của tem nhãn vàng trang sức, rất khó để doanh nghiệp có thể ghi được tất cả các thông tin như trên lên đó.
Đề nghị của Bộ KH&CN
Trước đó, Bộ KH&CN đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012 để quản lý tốt hơn chất lượng vàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Lý giải về đề nghị trên, Bộ KH&CN nêu rõ với các quy định hiện hành việc sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ không được kiểm soát về chất lượng. Đặc biệt là các doanh nghiệp (DN), cá nhân được nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ qua cửa khẩu không cần kiểm soát chất lượng và chỉ nộp thuế theo quy định là xong.
“Các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cho rằng họ chỉ biết bán vàng trang sức, mỹ nghệ lấy từ các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép; chất lượng trang sức, mỹ nghệ do các cơ sở này tự quyết định. Cách quản lý như hiện nay vô hình trung tập trung quản lý phần ngọn (lưu thông) mà không quản lý từ gốc (sản xuất, nhập khẩu). Trong khi đó, nguyên tắc của quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phải quản lý từ gốc” - văn bản kiến nghị của Bộ KH&CN nêu rõ.
Báo cáo của Bộ KH&CN cũng nêu rõ, trong tám tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành thanh tra hơn 580 cơ sở kinh doanh vàng. Qua đó phát hiện hơn 183 cơ sở vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, sử dụng cân vàng không kiểm định, không đạt yêu cầu về đo lường; chỉ số hàm lượng vàng không đạt chuẩn so với chỉ số công bố...
Như vậy tính chung trong hai năm qua, đã phát hiện có ít nhất 600 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm về kinh doanh vàng. Từ đó các cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng hơn 4.000 mẫu, tạm dừng lưu thông hơn 2.800 mẫu...
Một số DN cũng cho rằng cần sửa Nghị định 24/2012 đồng thời sửa cả các quy định khác liên quan đến vàng trang sức vì còn nhiều bất hợp lý. Chẳng hạn theo quy định hiện hành, các cơ sở kinh doanh vàng nữ trang phải dùng cân điện tử loại 200g trong khi nhiều tiệm vàng đang sử dụng cân loại 300g, 500g trở lên. Mà để đầu tư một cân đúng theo quy định thì cửa hàng phải bỏ ra 30-45 triệu đồng. Nếu toàn bộ cửa hàng vàng trên cả nước phải đầu tư loại cân 200g thì tốn kém vô cùng.
Thực tế cho thấy sản phẩm vàng được cân đo trên các loại cân 300g, 500g trở lên vẫn chính xác, đúng tiêu chuẩn nhưng khi cơ quan quản lý kiểm tra thấy không đúng theo quy định thì bị phạt.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Từ đó sẽ có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới.